Nhóm bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu đồng loạt tăng vọt
Chứng khoán mở cửa phiên giao dịch hôm nay trong sắc xanh, cùng chiều các thị trường tài chính lớn với xu hướng giao dịch “Trump trade” (mua bán theo hướng đặc cược ông Donald Trump đắc cử).
Thị trường mở gap (khoảng trống giá) sau ATO khi nhiều nhóm cổ phiếu được kéo vượt xa mốc tham chiếu. Dù có thời điểm lực bán dâng cao ngay sau đó, nhưng khác các phiên trước, dòng tiền vào mạnh hơn giúp chỉ số giữ vững sắc xanh.
Sau giai đoạn giằng co, VN-Index nhanh chóng nới rộng đà tăng ở thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump có dấu hiệu chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực cũng giúp lực mua chủ động tăng cao, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu được dự báo hưởng lợi.
Các mã trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu đồng loạt tăng vọt, nhiều cổ phiếu được kéo lên kịch trần nhờ dòng tiền mua vào tích cực.
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch 6/11
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.261,28 điểm, tương ứng tăng 15,52 điểm (1,25%) so với phiên trước. Toàn sàn HoSE có 312 mã tăng, trong khi chỉ có 61 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Tương tự, HNX-Index tăng 2,9 điểm (1,29%) lên 227,76 điểm, với 115 mã tăng, 36 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng tăng 0,81 điểm (0,88%) lên 92,71 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với tổng khối lượng giao dịch đạt 557 triệu cổ phiếu, trị giá 14.185 tỷ đồng, tăng 29% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 987 tỷ đồng (tăng 29%) và 579 tỷ đồng (tăng 116%).
Tâm điểm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và xuất khẩu
Tâm điểm của phiên hôm nay tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và xuất khẩu (gồm dệt may, phân bón, hóa chất, thủy sản, gỗ…).
Trong đó, các mã chứng khoán bất động sản khu công nghiệp có phản ứng sớm nhất với diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngay từ đầu phiên, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm này bứt phá, nhờ kỳ vọng cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử sẽ tiếp tục giúp ngành này được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển FDI. Chốt phiên, VGC, SZC, SIP và KBC đều được kéo lên mức giá trần.
Ảnh: TL minh họa.
Với nhóm xuất khẩu, cổ phiếu dệt may cũng ghi nhận sự bứt phá. GIL tăng 3,4%, VGT tăng 2,9%, TNG có thêm 2,4%... Tương tự ở nhóm gỗ, PTB vượt tham chiếu 2,9%, TTF tăng 1,33%.
Trong nhóm VN30, 29/30 cổ phiếu bluechip tăng giá, duy nhất MWG đứng ở mức tham chiếu. Các mã tác động tích cực nhất đến VN-Index gồm GVR, CTG, BID, TCB hay FPT. Trong đó, với đà tăng đến 5,14%, GVR đóng góp 1,66 điểm cho chỉ số của sàn HoSE.
Ngược lại, một số mã đi ngược xu hướng thị trường chung như HVN, KDC, DHC…/.
Khối ngoại trong phiên 6/11 vẫn tiếp tục bán ròng 380 tỷ đồng trên HoSE, dù VN-Index có phiên tăng mạnh. Trong đó, hai mã bị bán ròng mạnh nhất là VHM và MSN, với quy mô bán ròng 150 tỷ và 135 tỷ đồng. Các mã khác như SSI, VCB, DBC… cũng nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất với 43 tỷ đồng. TCB và STB được mua ròng lần lượt 37 tỷ đồng và 26 tỷ đồng./.
Minh Tuấn