Theo tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 dự kiến diễn ra vào ngày 31/03 tới đây, Ban lãnh đạo KAFI sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cùng các tờ trình quan trọng về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu và tiếp tục tăng vốn điều lệ.
Nhìn lại năm 2024, KAFI đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò kênh huy động vốn quan trọng, dù đối mặt với thách thức từ việc khối ngoại bán ròng kỷ lục (ước tính 3,7 tỷ USD). Bất chấp bối cảnh đó, KAFI đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2023. Động lực tăng trưởng chính đến từ mảng cho vay ký quỹ (margin), với doanh thu lãi tăng tới 272%. Dư nợ cho vay margin cuối năm 2024 đạt 5.400 tỷ đồng, gấp 5 lần so với đầu năm. Trong năm, công ty cũng đã hoàn tất hai đợt tăng vốn, đưa vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên mức 5.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, KAFI tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường, dựa trên các yếu tố vĩ mô như mục tiêu tăng trưởng GDP, kế hoạch giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, công ty đặt kỳ vọng vào khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố được cho là có thể thu hút dòng vốn ngoại lên đến 2 tỷ USD, đảo ngược xu hướng bán ròng và cải thiện thanh khoản.
Trên cơ sở đó, KAFI đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 25.000 tỷ đồng vào cuối năm 2025 và lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 211% (gấp hơn 3 lần) so với thực hiện năm 2024. Về chính sách cổ tức, KAFI dự kiến trình phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 4,5% cho năm tài chính 2024.
Đáng chú ý, tham vọng mở rộng quy mô của KAFI chưa dừng lại. Sau khi cán mốc vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, công ty tiếp tục trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn "khủng" thêm tối đa 2.500 tỷ đồng trong năm 2025, đưa vốn điều lệ lên mức 7.500 tỷ đồng. Phương án dự kiến là chào bán 25 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số tiền 2.500 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt chào bán này sẽ được phân bổ chủ yếu cho các hoạt động cốt lõi: 50% (1.250 tỷ đồng) bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và 47% (1.175 tỷ đồng) bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. Phần còn lại sẽ được dành cho đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ và mở rộng mạng lưới chi nhánh.
Ngoài ra, KAFI cũng trình kế hoạch đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM ngay trong năm 2025 và dự kiến triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (covered warrants).
Đợt tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng hoàn thành vào cuối năm 2024 (ngày 17/12/2024) đã phần nào hé lộ cơ cấu cổ đông đáng chú ý của công ty chứng khoán này. Theo danh sách công bố sau đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu (thu về 2.500 tỷ đồng), CTCP Uniben – đơn vị gắn liền với quá trình hình thành và đổi tên thương hiệu KAFI từ cuối năm 2021 – đã không còn là cổ đông. Thay vào đó là sự xuất hiện của CTCP Unicap với tỷ lệ sở hữu 4,95%. Cổ đông lớn duy nhất được công bố là Gentle Sun Investment (nắm giữ 20%), đây cũng là cổ đông ngoại duy nhất.
Unicap là cái tên từng gây chú ý khi chi hơn 1.200 tỷ đồng mua cổ phiếu VIB vào tháng 10/2024 và có liên quan đến các cá nhân trong gia đình Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ. Bản thân các cổ đông sáng lập Unicap như bà Nguyễn Thùy Nga (2,93%), ông Đặng Khắc Cường (4,9%) và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm (1,9%) cũng đang sở hữu cổ phần tại KAFI.
Sự hiện diện của "hệ sinh thái" liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tại KAFI khá rõ nét. Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB - nắm giữ trực tiếp 4,86% vốn KAFI, vợ ông là bà Trần Thị Thảo Hiền sở hữu 4,88%. Các công ty có liên quan đến ông Vỹ như CTCP Beston (4,92%) và CTCP Funderra (4,515%) cũng là cổ đông đáng kể. Phó Chủ tịch VIB Đặng Văn Sơn và vợ là bà Đặng Thị Thu Hà cũng nắm giữ tổng cộng 7,35% vốn KAFI. CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Kim (nắm 4,5%), có liên quan đến Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng, cũng góp mặt. Tổng cộng, nhóm cổ đông có liên hệ với VIB đang nắm giữ một tỷ lệ chi phối đáng kể tại KAFI, tạo bệ đỡ tài chính vững chắc cho công ty chứng khoán này.
Với nguồn lực tài chính dồi dào được bổ sung liên tục, KAFI đang đẩy mạnh hai mảng hoạt động chính là cho vay ký quỹ và tự doanh. Tính đến cuối quý III/2024, dư nợ cho vay của KAFI đã đạt hơn 4.679 tỷ đồng, gấp 4,6 lần đầu năm, trong khi danh mục tài sản tài chính FVTPL lên tới 7.547 tỷ đồng. Đây là những động lực chính giúp lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 74%. Kế hoạch tiếp tục tăng vốn và mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2025 cho thấy KAFI đang quyết tâm gia tăng vị thế trên thị trường chứng khoán.
Khánh Ly