Chứng khoán lao dốc khi 'bất định trở nên rõ ràng'

Chứng khoán lao dốc khi 'bất định trở nên rõ ràng'
9 ngày trướcBài gốc
Những thông tin thiếu tích cực từ chính sách thuế quan của Nhà Trắng tiếp tục khiến thị trường chứng khoán nhiều nước chao đảo, các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu ngừng rơi.
Chịu ảnh hưởng chung, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa ngày 8/4 chứng kiến chỉ số VN-Index “bốc hơi” hơn 75 điểm (tính tới 10h40), xuống còn 1.134,78 điểm, với hơn 400 mã giảm giá, trong đó có hơn 110 mã nằm sàn (chiếm hơn 25%) và chỉ có 25 mã tăng giá.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm hơn 15 điểm, còn 201 điểm với 124 mã giảm giá, bao gồm 23 mã giảm hết biên độ và chỉ có 21 mã tăng giá.
Nhiều cổ phiếu nằm sàn
Tâm lý bi quan khiến cho các nhà đầu tư tiếp tục nghiêng về bên bán, dẫn đến thị trường được cho là khó “gắng gượng”. Một số ý kiến cho rằng thị trường đang rơi vào tình trạng bán giải pháp (force sell), tức công ty chứng khoán tự động bán cổ phiếu trong danh mục nhà đầu tư có sử dụng margin nhưng rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Trong Báo cáo Triển vọng thị trường tháng 4/2025 với tiêu đề Khi bất định trở nên rõ ràng hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tính thời điểm đến hết tháng Ba, thị trường toàn cầu đã bắt đầu phản ánh mối lo ngại về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và lạm phát dai dẳng trong bối cảnh chính sách thuế quan “không chắc chắn”. Các chỉ số chứng khoán của các thị trường lớn chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong khi dòng vốn ngoại rút mạnh tại các thị trường châu Á.
Bước sang tháng mới, VDSC cho rằng, đây là thời điểm để sự “không chắc chắn” chuyển hóa thành “rủi ro có thể định lượng” của yếu tố bên ngoài khi Mỹ công bố chính sách thuế quan đối ứng.
Bên cạnh đó, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh cho quý đầu tiên của năm. Đây cũng sẽ là yếu tố định hình biến động của thị trường trong tháng tới.
VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tìm được điểm cân bằng sau khi rớt về vùng 1.140 – 1.165 điểm, và phục hồi về ngưỡng 1.285 điểm sau đó.
“Chính sách thuế quan mới của Chính quyền Trump sẽ có tác động đáng kể đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do vậy, cho đến khi có các thông tin mới về kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, chúng tôi cho rằng việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư.
Đối với nhà đầu đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao, chúng tôi tin rằng nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành mà hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu. Nhóm cổ phiếu có thể quan sát bao gồm CTG, VCB, BID, MBB, REE, POW, HPG, GEG, NT2, HAH, KDH. Ngoài ra, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tăng tỷ trọng ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu Beta cao khi thị trường phục hồi ban đầu, nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư trước khi quay lại tỷ trọng chiến lược”, các chuyên gia VDSC khuyến nghị.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/chung-khoan-lao-doc-khi-bat-dinh-tro-nen-ro-rang-i764415/