Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lợi suất trái phiếu tăng mạnh, giá dầu giảm

Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lợi suất trái phiếu tăng mạnh, giá dầu giảm
9 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/5) dưới sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt do các nhà giao dịch lo ngại rằng một dự luật ngân sách mới có thể sẽ làm gia tăng thêm thâm hụt tài khóa vốn dĩ đã lớn của nước này. Giá dầu thô giảm vì thống kê cho thấy lượng tồn trữ của Mỹ tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 816,8 điểm, tương đương giảm 1,91%, chốt ở mức 41.860,44 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,61%, còn 5.844,61 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,41%, còn 18.872,64 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng lên mức 5,09%, cao nhất kể từ tháng 10/2023. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,59%.
Các trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài bị xả mạnh vì mối lo thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ có thể càng lớn hơn nếu dự luật gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Donald Trump được thông qua. Các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về mức khấu trừ đối với thuế cấp tiểu bang và địa phương, do đó sẽ tiến tới phê chuẩn dự luật này trong vài ngày tới.
Trái phiếu bị bán mạnh dẫn tới giá trái phiếu giảm sâu và lợi suất tăng cao. Lợi suất càng tăng mạnh hơn khi vào buổi chiều, một phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm nhận được lực cầu yếu. Kết quả phiên đấu giá này làm dấy lên mối lo ngại rằng nhà đầu tư đang mất dần sự ham thích đối với nợ Mỹ, theo đó đặt ra thách thức đối với việc cấp tiền cho thâm hụt ngân sách của Washington.
“Câu hỏi bây giờ là từ phương diện tài khóa, dự luật cắt giảm thuế sẽ như thế nào, và liệu dự luật có đảo ngược tất cả những nỗ lực thắt chặt tài khóa gần đây bằng cách khiến mức nợ tăng thêm? Tôi cho rằng đó là lý do khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên, vì nhà đầu tư lo ngại rằng Chính phủ đang không làm gì để kìm lạm phát và giảm nợ”, chiến lược gia Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
“Khả năng cao là dự luật giảm thuế sẽ được thông qua, và rốt cục dự luật này sẽ tiếp tục làm cho mức nợ công tăng thêm”, ông Stovall nói.
Trong tháng 4, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh vì kế hoạch thuế quan đối ứng của ông Trump khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào các tài sản Mỹ, gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhảy từ mức 3,9% lên hơn 4,5% chỉ trong vòng vài ngày. Sau đó, lợi suất giảm khỏi mức cao này nhờ việc ông Trump tạm hoãn việc thực thi phần lớn thuế quan đối ứng.
Áp lực bán trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng thêm trong những ngày gần đây sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings giảm một bậc điểm tín nhiệm của Mỹ.
Trước khi giảm trong phiên ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư, chấm dứt chuỗi phiên tăng liên tiếp trước đó. Sự giảm điểm này cho thấy các chỉ số chính lại đang gặp trở ngại sau một thời gian phục hồi sau đợt bán tháo hồi tháng trước. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, S&P 500 và Nasdaq đã tăng tương ứng 13% và 18%.
“Một số nhà đầu tư đang lo lắng rằng thị trường đã tăng quá nhanh, quá xa và sẽ phải điều chỉnh một chút”, ông Stovall nói thêm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,47 USD/thùng, tương đương giảm 0,72%, còn 64,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,46 USD/thùng, tương đương giảm 0,74%, còn 61,57 USD/thùng.
Đầu phiên, giá dầu tăng hoảng 1% sau khi có tin Israel có thể đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân ở Iran. Nhưng sau đó, giá dầu quay đầu giảm vì báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này đều tăng vượt dự báo trong tuần kết thúc vào ngày 16/5.
Trong đó, tồn trữ dầu thô tăng thêm 1,3 triệu thùng, tồn trữ xăng tăng 800.000 thùng, và tồn trữ sản phẩm chưng cất tăng 600.000 thùng. Sự gia tăng tồn trữ có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dư cung.
Hiện tại, mối lo thừa cung thiếu cầu do OPEC+ tăng sản lượng và triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm vì thuế quan vẫn đang là yếu tố gây áp lực giảm nhiều nhất lên giá dầu. Nhưng mặt khác, rủi ro địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu vẫn đang hỗ trợ giá dầu.
“Nếu căng thẳng leo thang, nguồn cung dầu từ Trung Đông có thể tạm thời sụt giảm 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, OPEC+ có thể bù đắp sự sụt giảm này một cách tương đối nhanh chóng”, nhà phân tích Priya Walia của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định với hãng tin Reuters.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Bình Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-ban-thao-vi-loi-suat-trai-phieu-tang-manh-gia-dau-giam.htm