Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (31/12) nhưng hoàn tất một năm tăng điểm mạnh, với chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng cả năm trên 20% trong năm thứ hai liên tiếp, nhờ lạc quan về lãi suất giảm, sự vững vàng của nền kinh tế và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi đó, giá dầu có năm giảm thứ hai liên tiếp, do kinh tế Trung Quốc chật vật hậu Covid-19 và nguồn cung dầu ngoài OPEC tăng mạnh.
Lúc đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2024, S&P 500 giảm 0,43%, còn 5.881,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,9%, còn 19.310,79 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 29,51 điểm, tương đương giảm 0,07%, còn 42.544,22 điểm.
NHIỀU YẾU TỐ HỖ TRỢ GIÁ CỔ PHIẾU TRONG 2024
Cả năm vừa qua, S&P 500 tăng 23,31%, sau khi tăng 24,2% trong năm ngoái. Thành quả tăng 53% trong hai năm của chỉ số này đánh dấu chuỗi 2 năm tăng mạnh nhất kể từ lần tăng 66% vào năm 1997-1998.
Dow Jones tăng 12,88% trong năm nay, còn Nasdaq vượt trội với mức tăng 28,64%.
Nỗi hưng phấn của nhà đầu tư về AI và tiềm năng thúc đẩy năng suất lao động của công nghệ này đã giữ vai trò quan trọng là lực đẩy đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ thiết lập hàng loạt kỷ lục trong năm ngoái. Cổ phiếu hãng chip Nvdia và cổ phiếu nhà sản xuất điện thoại iPhone Apple - hai thành viên của nhóm Magnificent 7 - tăng tương ứng 171% và 30% trong năm nay, cũng ghi nhận nhiều đỉnh cao nối tiếp nhau.
Trong nửa sau của năm nay, các diễn biến ở Washington DC tiếp sức mạnh mẽ cho xu hướng thị trường giá lên. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có 3 đợt giảm lãi suất liên tiếp vào các tháng 9-11-12, với tổng mức giảm tròn 1 điểm phần trăm, giúp củng cố niềm tin rằng nền kinh tế có thể duy trì nhịp tăng trưởng vững vàng. Chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm mạnh sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thóng Mỹ trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11, do giới đầu tư lạc quan về triển vọng giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát trong 4 năm cầm quyền tới của ông.
Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm tăng mạnh nhất sau bầu cử ở Mỹ. JPMorgan và Goldman Sachs đạt mức tăng cả năm tương ứng là 41% và 48%. Cổ phiếu Tesla tăng 62% trong năm qua, một phần nhờ mối quan hệ thân thiết giữa CEO Elon Musk với ông Trump.
“Tôi cho rằng sự lạc quan của thị trường năm nay có được là nhờ chuyển biến tốt ở hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát trên đà giảm, Fed hạ lãi suất mạnh tay vào tháng 9 khi bắt đầu nới lỏng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có những thời điểm giảm, và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết vẫn tốt. Tất cả cùng diễn ra một lúc, nên hỗ trợ mạnh mẽ cho giá cổ phiếu”, Giám đốc đầu tư Yung-Yu Ma của công ty BMO Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Trong quý 4, Nasdaq và S&P 500 tăng tương ứng 6,2% và 2,1%, đánh dấu quý tăng thứ 5 liên tiếp của mỗi chỉ số lần đầu tiên kể từ năm 2021. Dow Jones tăng 0,5% trong quý 4, đánh dấu quý tăng thứ tư trong vòng 5 quý trở lại đây.
Dù vậy, chứng khoán Mỹ cho thấy sự chật vật trong những ngày giao dịch cuối cùng của tháng 12 do nhiều nhà đầu tư chốt lời. Do vậy, Dow Jons giảm 5,3% trong tháng 12, S&P 500 giảm 2,5%, và Nasdaq tăng 0,5%.
“Định giá cổ phiếu đã cao rồi, và nhiều yếu tố hỗ trợ đã được phản ánh vào giá cổ phiếu rồi. Vậy thì đâu là chất xúc tác để thị trường tăng thêm được 10% nữa. Nếu chưa có chất xúc tác mới, thì ít nhất vào lúc này, vào thời điểm cuối năm như thế này, sẽ có nhiều người muốn hiện thực hóa lợi nhuận”, ông Ma phát biểu.
Ngày thứ Tư (1/1), thị trường đóng cửa đón năm mới 2025.
GIÁ DẦU KHÓ TĂNG TRONG 2025?
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng 0,88%, chốt ở mức 74,64 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,73 USD/thùng, tương đương tăng 1,03%, chốt ở 71,72 USD/thùng.
Cả năm, giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - giảm khoảng 3% so với mức chốt 77,04 USD/thùng của năm 2023. Giá dầu WTI gần như đi ngang so với mức đóng cửa của năm ngoái.
Hồi tháng 9, giá dầu Brent giao sau đóng cửa dưới mức 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Trong năm, giá dầu không lập lại được những mức đỉnh ghi nhận trong những năm gần đây, do sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sau đại dịch và mối lo về cú sốc giá dầu do chiến tranh Nga-Ukraine đều đã suy giảm.
Trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters mới thực hiện, giá dầu có khả năng sẽ dao động quanh ngưỡng 70 USD/thùng trong năm 2025 do nhu cầu của Trung Quốc còn yếu và nguồn cung ầu toàn cầu tăng lên, mặc nỗ lực của OPEC+ hạn chế sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Những năm gần đây, nhóm này thực thi các thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm ngăn sự sụt giảm của giá dầu kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Triển vọng ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã khiến cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay và năm tới. IEA dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu bước sang năm 2025 trong trạng thái dư cung, cho dù OPEC+ đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng trở lại cho tới tháng 4/2025.
Theo dữ liệu mới được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố, sản lượng dầu của nước này tăng 259.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 13,46 triệu thùng/ngày trong tháng 10. EIA dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới 13,52 triệu thùng/ngày trong năm 2025.
Theo giới phân tích, ngoài các yếu tố nhu cầu dầu của Trung Quốc và nguồn cung dầu, giá dầu năm 2025 còn sẽ bị ảnh hưởng bởi đường đi lãi suất của Fed và các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đồng thời chủ trương gây áp lực tối đa lên Iran.
“Với khả năng Iran bị siết trừng phạt sau khi ông Trump lên cầm quyền, chúng tôi cho rằng thị trường dầu có thể thắt chặt trong năm tới”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định, đồng thời đề cập đến nhu cầu dầu còn mạnh của Ấn Độ và những dấu hiệu mạnh lên gần đây của lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị ở Trung Đông năm tới cũng sẽ tác động đến giá dầu. Năm nay, cuộc chiến tranh Israel-Hamas ở Gaza là một yếu tố đe dọa dòng chảy dầu lửa toàn cầu.
Bình Minh