Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh và trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/11), khi nhà đầu tư chờ xem ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá dầu thô duy trì xu hướng tăng kể từ khi liên minh OPEC+ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,23%, chốt ở mức 5.782,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,43%, đạt 18.439,17 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,02%, đạt 42.221,88 điểm.
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris được dự báo sẽ sát nút. Ngoài ra, giới đầu tư còn quan tâm Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội. Việc một trong hai đảng giành quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong chính sách chi tiêu hoặc cải tổ thuế.
Theo kết quả cập nhật lúc 7h30 sáng nay (6/11) theo giờ Việt Nam, ông Trump đã thắng ở 3 bang Kentucky, Indiana và West Virginia, giành 23 trên tổng sổ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử. Bà Harris thắng ở bang Vermont, giành 3 phiếu đại cử tri - theo dữ liệu từ hãng tin Reuters.
Kết quả của lần bầu cử này có thể có ảnh hưởng lớn tới diễn biến của chứng khoán Mỹ trong thời gian còn lại của năm nay, và nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận sự biến động gia tăng trong ngắn hạn. Dữ liệu của CNBC từ năm 1980 cho thấy mức tăng bình quân lớn của thị trường trong thời gian từ ngày bầu cử cho tới kết thúc năm, nhưng thị trường thường giảm trong ngày bầu cử và trong tuần sau đó. Nếu kết quả bầu cử không rõ ràng và mất thời gian nhiều thời gian để có kết quả chính thức, thị trường sẽ càng bấp bênh hơn.
Trong phiên ngày thứ Ba, diễn biến giá cổ phiếu phản ánh không có một sự đặt cược rõ ràng nào vào một trong hai ứng cử viên. Thay vào đó, đây là một phiên tăng trên diện rộng, với sự tham gia của hầu như tất cả các nhóm cổ phiếu.
“Đã có một sự phòng hộ lớn trước sự bất định chính trị hay những diễn biến kịch tính tiềm tàng từ Washington. Chúng ta đã từng chứng kiến sự phòng hộ đó. Hôm nay là ngày bầu cử, chúng tôi có chút lạc quan rằng một phần của sự phòng hộ đó được rút lại”, chiến lược gia Ryan Detrick của công ty Carson Group nói với hãng tin CNBC.
“Sự thật là cho dù ai thắng cử, người đó sẽ tiếp quản một nền kinh tế đang trong trạng thái tương đối tốt”, ông Detrick nói.
Cổ phiếu ngân hàng - nhóm sẽ hưởng lợi nhiều nếu Đảng Cộng hòa giành chiến thắng áp đảo và thực thi việc nới lỏng các quy chế giám sát - là một trong những nhóm cổ phiếu tăng phiên này. Cổ phiếu Nvidia tăng gần 3%, dù hãng chip khổng lồ này được cho là sẽ không chịu tác động đáng kể nào từ kết quả bầu cử. Cổ phiếu Tesla tăng 3,5%, vì hãng xe điện này được cho là hưởng lợi dù ông Trump hay bà Harris đắc cử đi chăng nữa.
Sau khi có kết quả bầu cử, thị trường sẽ chờ kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuyên bố sau cuộc họp của Fed sẽ được đưa ra vào chiều ngày thứ Năm theo giờ địa phương, và được tiếp nối bằng một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Thị trường kỳ vọng tuyên bố của Fed và các phát biểu của ông Powell sẽ mang tới tín hiệu về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 98% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này. Trong lần giảm đầu tiên của chu kỳ nới lỏng này vào tháng 9, Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đã tăng 21%, một sự tăng trưởng mạnh bất thường trong năm bầu cử. Chỉ số này hiện đang rất gần mức cao nhất mọi thời đại.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,45 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở mức 75,53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,52 USD/thùng, tương đương tăng 0,73%, chốt ở 71,99 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Hai nhờ tuyên bố của OPEC+ vào cuối tuần về trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho tới hết năm nay. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
“Có thể phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần mới có kết quả bầu cử rõ ràng. Thậm chí, kết quả còn bị thách thức. Tuy nhiên, OPEC+ đã ‘chiếm sóng’ trên thị trường dầu vào ngày hôm qua. Căng thẳng Trung Đông và đồng USD giảm giá cũng giúp giá dầu tăng”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận xét.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do nhà đầu tư giảm bớt vị thế dựa trên đặt cược rằng ông Trump sẽ tái đắc cử.
Dù vậy, tâm lý ham thích rủi ro trên thị trường vẫn đang ở mức thấp do tuần này có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, gồm bầu cử Mỹ, cuộc họp Fed, và một cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc
“Giới đầu tư cũng đang quan tâm tới cuộc họp của Trung Quốc để tìm kiếm những thông tin rõ ràng về gói kích cầu bằng chính sách tài khóa của nước này. Đó sẽ là cơ sở cho triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Nhưng nhà đầu tư cũng sẽ không mua bán gì nhiều trước khi có kết quả bầu cử Mỹ. Tất cả những điều đó sẽ giữ giá dầu trong trạng thái chờ đợi”, chiến lược gia Yeap Jun Rong của công ty IG International nhận định với Reuters.
Bình Minh