Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/1), sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ khiến lãi suất giảm và giá dầu rẻ hơn. Giá dầu sụt 1%, nối tiếp xu hướng giảm kể từ sau khi ông Trump nhậm chức.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,53%, đạt 6.118,71 điểm, vượt qua kỷ lục chốt phiên cũ là 6.090,27 điểm thiết lập vào đầu tháng 12. Phiên này cũng chứng kiến thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục nội phiên ngày thứ hai liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones tăng 408,34 điểm, tương đương tăng 0,92%, đạt 44.565,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,22%, đạt 20.053,68 điểm.
Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số, bắt đầu từ khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày thứ Hai tuần này. Nhà đầu tư hưng phấn với bài phát biểu trực tuyến của ông Trump tại chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong đó ông nói sẽ “yêu cầu lãi suất giảm ngay lập tức” và đề nghị Saudi Arabia hạ giá dầu.
Sau khi giảm điểm trong tháng 12 và có sự khởi đầu ảm đạm cho năm 2025, chứng khoán Mỹ khởi sắc rõ rệt trong tuần này nhờ niềm lạc quan về chủ trương giảm thuế trong nước và nới lỏng quy chế giám sát trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, cũng như những tín hiệu cho thấy sức tăng trưởng bền bỉ của nền kinh tế Mỹ. Thuế quan vẫn là một mối lo phủ bóng lên thị trường, nhưng nhà đầu tư hài lòng với việc ông Trump không có động thái áp thuế quan chính thức nào trong ngày cầm quyền đầu tiên.
“Ông Trung thực sự không kiểm soát được lãi suất, nhưng thị trường thích nghe những thứ như vậy. Đến nay, thị trường có vẻ thích các chính sách của ông ấy, nên hãy chứ chờ xem liệu ông ấy có làm được như đã nói hay không”, chiến lược gia trưởng Larry Tentarelli của trang Blue Chip Daily Trend Report nói với hãng tin CNBC.
Trên thị trường trái phiếu, sự bất định xung quanh kế hoạch thuế quan của ông Trump đang gây áp lực giảm lên giá trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến lợi suất tăng phiên thứ hai liên tiếp. Nhà đầu tư lo ngại rằng nếu ông Trump áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, lạm phát ở Mỹ sẽ cao hơn, gây khó khăn đối với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4,7 điểm cơ bản, lên gần 4,65%. Dù vậy, mức lợi suất này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của 14 tháng là hơn 4,79% thiết lập vào đầu tuần trước.
“Các chính sách của Tổng thống Trump sẽ tạo ra một cơn bão áp lực lạm phát… Điều đó có thể gây ra biến động lớn trên thị trường”, CEO Nigel Green của công ty tư vấn tài chính deVere Group nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,82 USD/thùng, tương đương giảm 1,09%, còn 74,62 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,71 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 78,29 USD/thùng.
Trước khi có bài phát biểu trực tuyến của ông Trump tại WEF, giá dầu đã tăng. Trong bài phát biểu này, ông Trump cáo buộc Saudi Arabia và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Ukraine bằng cách đẩy giá dầu lên cao. Ông khẳng định cuộc chiến này sẽ kết thúc nếu giá dầu giảm. Nga - quốc gia đang xung đột với Ukraine - là một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và thu từ xuất khẩu dầu là nguồn ngân sách quân sự chủ lực của Nga.
“Tôi sẽ yêu cầu Saudi Arabia và OPEC kéo giá dầu xuống. Nếu giá dầu giảm, chiến tranh Nga-Ukraine sẽ ngay lập tức kết thúc. Thực chất, họ có trách nhiệm nhất định đối với những gì đang diễn ra”, ông Trump nói về Saudi Arabia và OPEC - khối mà Riyadh giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức.
OPEC cùng một số thành viên ngoài khối gồm Nga hợp thành liên minh OPEC+ để gây ảnh hưởng lên giá dầu toàn cầu. Khối này đã hạn chế sản lượng khai thác dầu trong những năm gần đây để tránh giá dầu giảm sâu. Năm ngoái, giá dầu đương đầu áp lực giảm do sản lượng dầu tăng cao ở Mỹ trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc chậm lại.
Tháng 12, OPEC+ quyết định gia hạn việc cắt giảm sản lượng cho tới ít nhất tháng 3 năm nay, trước khi tăng dần sản lượng trở lại.
Bình Minh