Chốt phiên ngày 16/1, cổ phiếu Apple giảm 4%, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/8. Ảnh: Tickernews.co
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 16/1, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó, do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo ồ ạt.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 sụt 0,21%, về còn 5.937,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,89%, xuống 19.338,29 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 68,42 điểm, tương đương 0,16%, về mức 43.153,13 điểm.
Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trở thành nguồn áp lực giảm chính trong phiên này khi nhiều tên tuổi lớn đồng loạt kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ. Apple giảm 4%, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/8. Tesla giảm hơn 3%, Nvidia trượt 2% và Alphabet mất khoảng 1%.
Trong khi cổ phiếu Big Tech sụt giảm đáng kể, các ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực. Morgan Stanley báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng, giúp cổ phiếu tăng 4%. Ở chiều ngược lại, Bank of America cũng vượt dự báo về lợi nhuận nhưng cổ phiếu lại tụt khoảng 1%.
Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” tài chính như JPMorgan Chase hay Goldman Sachs công bố trước đó một ngày cũng khả quan hơn ước tính của Phố Wall.
Theo dữ liệu từ FactSet, trong số các công ty đã công bố báo cáo tài chính quý 4 tính đến thời điểm này, có 77% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo - tỷ lệ phản ánh một mùa báo cáo nhiều hứa hẹn ở Phố Wall.
Ông Keith Buchanan - Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, đánh giá: “Các ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực, song dường như thị trường cần nhiều hơn thế. Đó là những gì đang diễn ra trong phiên hôm nay”.
Phiên giảm điểm của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall diễn ra ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm mạnh, trượt sâu dưới mức đỉnh trong 14 tháng thiết lập vào đầu tuần. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,61%, thấp hơn nhiều so với mức 4,79% vào hôm thứ Hai.
Trong phiên giao dịch trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tích cực kết hợp với báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ từ các ngân hàng đã giúp 3 chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận mức tăng phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 6/11/2024.
Tuy nhiên, giới đầu tư cổ phiếu tỏ ra thận trọng hơn trong phiên này khi dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao, trong khi thị trường lao động duy trì ổn định. Điều này mang lại cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dư địa để giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo chuyên gia Jose Torres của Interactive Brokers, các nhà đầu tư đã nhấn nút “tạm dừng mua vào” sau đợt tăng điểm mạnh mẽ trong phiên ngày thứ Tư.
Chiến lược gia toàn cầu Rick Pitcairn tại công ty Pitcairn nhận định: "Tâm lý của nhà đầu tư trên sàn Phố Wall được cải thiện hơn vào ngày hôm qua. Nhìn chung, Tháng Một vẫn còn được xem là giai đoạn chưa chắc chắn, nhưng ít nhất chúng ta đang có cơ sở tốt để xem xem mọi thứ sẽ đi đến đâu, với nhiều dữ liệu và báo cáo lợi nhuận sắp được công bố”. Ông Pitcairn lưu ý thêm rằng lợi nhuận từ các ngân hàng là rất tích cực và đóng vai trò chỉ báo quan trọng.
Các nhà đầu tư cũng tập trung vào bình luận của Thống đốc Fed Christopher Waller, người cho biết Ngân hàng T.Ư Mỹ có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự kiến trong năm nay nếu lạm phát tiếp tục giảm
Bất chấp đà giảm trong phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn đang hướng đến mức tăng hàng tuần. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng vững vàng, lạm phát dai dẳng và phát biểu cứng rắn từ các quan chức Fed làm gia tăng lo ngại rằng Fed có thể không mạnh tay cắt giảm lãi suất như mong đợi.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng quan ngại về khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự kiến nhậm chức vào 20/1, sẽ thực hiện các chính sách áp thuế quyết liệt, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trước đó, ông Scott Bessent, ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng đồng USD nên duy trì vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và Fed cần độc lập. Ông Bessent, cũng cảnh báo về một "thảm họa kinh tế" nếu các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017 của ông Trump hết hiệu lực vào cuối 2025.
Nguyễn Thu