Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/10), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) và báo cáo tài chính của một số Big Tech. Giá dầu thô tăng trở lại sau mấy phiên giảm mạnh, do số liệu cho thấy lượng tồn trữ của Mỹ tăng và đồn đoán rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể trì hoãn việc tăng sản lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,33%, còn 5.813,67 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 91,51 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 42.141,54 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,56%, còn 18.607,93 điểm, dù có thời điểm trong phiên đạt mức cao chưa từng thấy.
Là công ty đầu tiên trong số các công ty công nghệ lớn công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, Alphabet đưa ra kết quả vượt kỳ vọng nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ ở mảng đám mây. Cổ phiếu công ty mẹ của Google nhờ đó tăng 3%.
Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng sản xuất chip AMD giảm hơn 10% vì dự báo của công ty về doanh thu quý 4 khiến giới đầu tư thất vọng. Cổ phiếu một hãng chip khác là Super Micro Computer lao dốc gần 33% sau khi nhà kiểm toán của công ty bất ngờ từ nhiệm, làm dấy lên mối lo ngại về các báo cáo tài chính của công ty.
Các công ty công nghệ vốn hóa lớn khác sẽ lần lượt công bố báo cáo trong tuần này, gồm Meta Platforms và Microsoft sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư, tiếp đến là Apple và Amazon vào ngày thứ Năm.
“Dường như kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ vẫn đang mang lại dũng khí cho những nhà đầu tư đang nắm giữ một tỷ trọng lớn cổ phiếu trong lĩnh vực này”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Tư cho thấy một bức tranh không đồng nhất. Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP của nước này tăng trưởng 2,8% trong quý 3, thấp hơn mức dự báo tăng 3,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, báo cáo từ công ty dữ liệu tuyển dụng ADP cho thấy khu vực kinh tế tư nhân có thêm 233.000 công việc mới trong tháng 10, một con số vượt xa kỳ vọng và là mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã lập kỷ lục mới trong những tuần gần đây, nhưng sự bất định gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 có thể khiến xu hướng tăng của thị trường chững lại. Giám đốc danh mục Matt Stucky của công ty Northwestern Mutual dự báo phản ứng của thị trường trong những ngày tới sẽ không mạnh như hồi năm 2016 - năm ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump bất ngờ thắng cử.
“Mọi thứ đang không có gì chắc chắn, nhưng tôi không cho là sẽ có sự lặp lại của biến động như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2016. Ngược lại, năm nay chúng ta đã biết rõ hơn về mỗi ứng cử viên, nhưng cơ hội thắng của mỗi người đều rất cao. Trong bối cảnh như vậy, không ai muốn đặt cược nghiêng hẳn về bên nào trước ngày bầu cử”, ông Stucky nói.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2,01%, đạt 72,55 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 2,08%, đạt 68,61 USD/thùng.
Phiên tăng này diễn ra sau khi giá dầu đã giảm mạnh trong tuần, với phiên giảm hơn 6% vào hôm thứ Hai. Dầu tăng giá sau khi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng xăng tồn kho của Mỹ trong tuần trước bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất 2 năm do nhu cầu mạnh lên.
Tồn trữ dầu thô cũng giảm, nhưng chủ yếu do nhập khẩu dầu của Mỹ giảm. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Saudi Arabia trong tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, chỉ đạt 13.000 thùng/ngày, từ mức 150.000 thùng/ngày trong tuần trước đó. Nhập khẩu dầu từ Canada, Iraq, Columbia và Brazil cũng đều giảm.
Theo hãng tin Reuters, do lo ngại nhu cầu yếu và nguồn cung tăng, liên minh OPEC+ của OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga có thể trì lùi 1 tháng kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu dự kiến khởi động vào tháng 12 năm nay.
“OPEC+ đã luôn nói rằng việc rút lại các chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện của họ sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Việc nhóm này xem xét lại thời điểm nâng sản lượng không có gì đáng ngạc nhiên, xét tới điều kiện kinh tế đang yếu hiện nay, nhất là Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế ảm đạm đã dẫn tới điều chỉnh giảm các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, trưởng nghiên cứu Harry Tchilinguirian của công ty Onyx Capital Group nhận định.
OPEC+ đã dự định sẽ nâng sản lượng dầu 180.000 thùng/ngày trong tháng 12. Những năm gần đây, OPEC+ đã hạ sản lượng dầu khoảng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% tổng nhu cầu dầu toàn cầu. Nguồn thạo tin nói rằng quyết định trì hoãn tăng sản lượng trở lại của OPEC+ có thể được đưa ra sớm nhất vào tuần tới.
Bình Minh