Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vì cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, giá dầu tăng gần 1%

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vì cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, giá dầu tăng gần 1%
19 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/1), khi số liệu kinh tế khả quan làm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất trong năm 2025, dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và cổ phiếu công nghệ bị bán ồ ạt. Giá dầu thô đi lên do mối lo về khả năng thắt chặt nguồn cung dầu từ Nga và Iran do sự trừng phạt nhằm vào hai quốc gia này.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,11%, còn 5.909,03 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 178,2 điểm, tương đương giảm 0,42%, còn 42.528,36 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,89%, còn 19.489,68 điểm. Cả ba chỉ số đã tăng điểm vào đầu phiên, nhưng để mất dần thành quả tăng rồi đảo chiều và kết thúc phiên trong sắc đỏ.
Báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 12 đạt mức tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Số liệu này làm gia tăng mối lo về sự dai dẳng của lạm phát. Sau khi báo cáo được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục xu hướng leo thang vốn có của thời gian gần đây do mối lo rằng kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến sát mốc 4,7%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2024.
“Thị trường đang điều chỉnh kỳ vọng về lạm phát và lãi suất Fed. Sự điều chỉnh đó dẫn tới cuộc bán tháo nhỏ này trên thị trường cổ phiếu, sau nỗi hưng phấn ban đầu của nhà đầu tư” về dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ - chiến lược gia cấp cao Tom Hainlin của công ty US Bank Management Group nhận định với hãng tin CNBC.
Ông Hainlin lưu ý rằng dữ liệu trên cũng phản ánh sức mua của người tiêu dùng và thị trường việc làm còn mạnh - những yếu tố cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ còn vững vàng, có lợi cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.
Ngoài ra, phiên bán tháo cổ phiếu này cũng diễn ra khi một số nhà đầu tư muốn chốt lời ở nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip sau chuỗi phiên tăng liên tiếp gần đây của S&P 500 và Nasdaq.
Cổ phiếu Nvidia giảm 6,2% sau khi đạt mức cao kỷ lục. Cổ phiếu Tesla giảm 4% sau khi bị các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America cắt giảm khuyến nghị vì mức định giá cao và những rủi ro liên quan đến chiến lược kinh doanh. Meta Platforms, Apple và Microsoft đồng loạt giảm hơn 1%.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường hiện dự báo Fed chỉ giảm lãi suất một lần trong năm 2025, từ chỗ dự báo hai lần giảm lãi suất đưa ra vào tháng 12. Đối với cuộc họp vào cuối tháng này của Fed, khả năng giữ nguyên lãi suất là hơn 95%.
“Cơn hưng phấn sau khi ông Trump thắng cử đã nguội đi một phần, vì lợi suất trái phiếu đang tăng lên. Tôi cho rằng thị trường bắt đầu nhận thấy có một câu hỏi về việc làm thế nào để giảm thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ trong khi có những lời hứa về tăng chi tiêu và cắt giảm thuế”, Giám đốc đầu tư Wasif Latif của công ty Sarmaya Partners nói với hãng tin Reuters.
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số MSCI All Country World Index trượt 0,75%, còn 846,52 điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,75 USD/thùng, tương đương tăng 0,98%, chốt ở mức 77,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,94%, chốt ở 74,25 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Razan Hilal của Forex cho biết các nhà giao dịch trên thị trường dầu lửa đang trông chờ vào các kế hoạch kích thích của Trung Quốc như một động lực để đưa dầu tăng giá, trong lúc có những dấu hiệu về sự thắt chặt của nguồn cung dầu sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
“Mặc dù giằng co trong phạm vi hẹp trong thời gian gần đây, giá dầu đang nghiêng nhẹ về tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu được cải thiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng chính của giá dầu vẫn đang là giảm”, ông Hilal viết trong một báo cáo.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho rằng có vẻ như thị trường đã bắt đầu phản ánh vào giá dầu một số rủi ro gián đoạn nguồn cung trong hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc. Mối lo nguồn cung dầu trở nên thắt chặt do lệnh trừng phạt đã dẫn tới nhu cầu mua dầu Trung Đông tăng lên, phản ánh qua việc giá dầu giao tháng 2 của Saudi Arabia bán cho khách châu Á đã lần tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, thời tiết lạnh ở Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu dầu dùng cho việc sưởi ấm, mặc dù mức tăng giá dầu bị hạn chế bởi một số dữ liệu kinh tế toàn cầu kém khả quan.
Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group, cho biết các chỉ số kỹ thuật của giá dầu giao sau hiện đang nằm trong vùng mua quá nhiều (overbought) và nhà đầu tư có thể đẩy mạnh việc bán ra vào bất kỳ thời điểm nào để chốt lời, khiến việc tăng giá trở nên khó khăn hơn.
Bình Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-giam-manh-vi-co-phieu-cong-nghe-bi-ban-thao-gia-dau-tang-gan-1.htm