Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones giảm 125,65 điểm (-0,28%) xuống 44.747,63 điểm, S&P 500 tăng 22,09 điểm (+0,36%) lên 6.083,57 điểm, còn Nasdaq tăng 99,66 điểm (+0,51%) lên 19.791,99 điểm.
8 trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500 đều ghi nhận sắc xanh, với dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đầu, trong khi lĩnh vực năng lượng có mức giảm mạnh nhất.
Cổ phiếu Amazon tăng 1,1%. Công ty đã vượt kỳ vọng về doanh thu quý, nhưng doanh số từ mảng điện toán đám mây lại thấp hơn dự báo. Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin về khoản đầu tư của Amazon vào trí tuệ nhân tạo, đặc biệt sau khi startup Trung Quốc DeepSeek ra mắt mô hình AI giá rẻ, làm dấy lên lo ngại về khoản chi tiêu khổng lồ của các công ty công nghệ Mỹ cho lĩnh vực này.
Cổ phiếu Nvidia leo 3,1%.
"Trọng tâm chính của hôm nay là lợi nhuận doanh nghiệp, còn vấn đề thuế quan đã tạm thời lùi về phía sau”, ông Zachary Hill, Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments nhận xét.
Ở các diễn biến riêng lẻ khác, nhà sản xuất dược phẩm Eli Lilly tăng 3,3% sau khi đưa ra dự báo lợi nhuận năm cao hơn kỳ vọng. Philip Morris International cũng bật tăng 10,9% nhờ kết quả lợi nhuận quý tốt hơn dự kiến và dự báo lợi nhuận năm 2025 cao hơn kỳ vọng.
Tập đoàn thời trang Tapestry leo dốc 12% sau khi điều chỉnh lại dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm.
Ngược lại, Honeywell lại mất 5,6% vì kế hoạch chia tách thành ba công ty độc lập và đưa ra dự báo kinh doanh kém lạc quan cho năm 2025.
Cổ phiếu Qualcomm giảm 3,7% khi ban lãnh đạo công ty cho biết mảng kinh doanh cấp phép bằng sáng chế sẽ không có tăng trưởng doanh thu trong năm nay vì thỏa thuận cấp phép với Huawei đã hết hạn.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 13,57 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,95 tỷ cổ phiếu của 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 1 sẽ được công bố vào thứ Sáu, đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá thị trường lao động và định hướng chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà giao dịch không kỳ vọng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp tháng 3, nhưng phần lớn dự đoán Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6, theo công cụ FedWatch của CME.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ vào thứ Năm sau khi Tổng thống Donald Trump cam kết tăng sản lượng dầu của Mỹ. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung dư thừa ngay sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 32 cent, tương đương 0,4%, xuống 74,29 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 42 cent, tương đương 0,6%, còn 70,61 USD/thùng.
Ông Donald Trump một lần nữa nhắc lại cam kết đẩy mạnh sản xuất dầu ở Mỹ – hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới – nhằm hạ giá năng lượng và kiềm chế lạm phát tiêu dùng.
Giá dầu từ bỏ phần lớn đà tăng trước đó sau thông tin này, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc liệu các công ty dầu mỏ Mỹ có sẵn sàng tăng sản lượng trong bối cảnh hiện tại hay không. "Chưa có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động khoan dầu của Mỹ đang tăng tốc”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét, đồng thời bày tỏ sự bất ngờ trước phản ứng của thị trường đối với phát biểu của ông Trump.
Giá dầu còn chịu áp lực từ báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ. Hôm thứ Tư, giá đã giảm tới 2% sau khi dữ liệu cho thấy lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh 8,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng chỉ 2 triệu thùng của giới phân tích.
Kim Nguyễn