Thị trường Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên thứ Ba trước những bình luận của Tổng thống Donald Trump về thuế quan làm lu mờ hy vọng của các nhà đầu tư trước đó rằng các cuộc đàm phán thương mại diễn ra thuận lợi và cởi mở.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,07% xuống còn 6.225,52 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 165,60 điểm, tương đương 0,37%, xuống còn 44.240,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ tăng nhẹ 0,03% lên 20.418,46 điểm.
Sự thận trọng bao trùm Phố Wall khi các nhà đầu tư phải đối mặt với loạt tín hiệu trái chiều từ Nhà Trắng về chính sách thuế quan.
Cổ phiếu JPMorgan giảm 3% trong phiên ngày 8/7. Ảnh: Tiprank
Hôm 7/7, Tổng thống Trump thông báo sẽ lùi thời hạn áp thuế đối ứng từ ngày 9/7 sang 1/8. Tuy nhiên, ngay sau đó ông lại tuyên bố rằng hạn chót 1/8 “không chắc chắn 100%”.
Đến ngày 8/7, Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social rằng sẽ không có thay đổi nào với hạn chót 1/8. Cùng ngày, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế quan 50% lên kim loại đồng nhập khẩu và phát tín hiệu cho thấy sẽ có thêm thuế quan áp theo từng ngành hàng, trong đó có thuế quan đối với dược phẩm.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết thêm sẽ sớm công bố thuế quan “ở mức rất, rất cao, chẳng hạn 200%” đối với dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Ông nói các công ty dược phẩm có thể có thời gian tới một năm rưỡi để bắt đầu sản xuất tại Mỹ trước khi thuế quan mới này có hiệu lực.
Trước đó, trong phiên đầu tuần, cổ phiếu đã bị bán tháo, chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 400 điểm khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng cộng, ông đã công bố mức thuế mới lên ít nhất 14 quốc gia.
Giới đầu tư đang chờ đợi thêm sự chắc chắn về chính sách thuế quan của Mỹ. Một số kỳ vọng rằng mức thuế cuối cùng sẽ không cao như những gì ông Trump cảnh báo.
“Từ tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã dần vượt qua nỗi lo rằng thuế quan sẽ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp hay lạm phát. Tâm lý của nhà đầu tư đã có sự dịch chuyển trong một thời gian rất ngắn và trở nên lạc quan hơn. Điều đó được thể hiện qua định giá cổ phiếu trên thị trường”, ông Bill Merz, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại U.S. Bank Wealth Management, đánh giá.
Tuy nhiên, đà phục hồi không lan tỏa đồng đều trên sàn Phố Wall. Cổ phiếu chip Nvidia tăng 1%, tiến sát ngưỡng vốn hóa 4.000 tỷ USD.
Ngược lại, nhóm ngân hàng gây sức ép lên thị trường sau khi HSBC khuyến nghị thận trọng với các “ông lớn” trong ngành. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America cùng giảm 3%, trong khi Goldman Sachs mất gần 2%.
Tình trạng bấp bênh về chính sách thuế quan không chỉ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán mà còn khiến nền kinh tế rơi vào thế khó đoán định. Chuyên gia kinh tế trưởng Jack Kleinhenz của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), cho biết: “Tâm lý hoang mang và bất an hiện đang chi phối thị trường tài chính. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động từ các chính sách thương mại đối với nền kinh tế Mỹ”. Vị chuyên gia cảnh báo rằng nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải: mức thuế cuối cùng sẽ là bao nhiêu, kéo dài bao lâu và tác động tới giá hàng tiêu dùng ra sao.
Bên cạnh đó, siêu luật 'Big, Beautiful' (Lớn và Đẹp) được Tổng thống Trump ký ban hành tuần trước càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về định hướng tài khóa và rủi ro nợ công của chính phủ trong tương lai.
“Trong bối cảnh hiện tại, miễn là giới đầu tư tin rằng các nhà hoạch định chính sách có khả năng và sẵn sàng điều chỉnh để ứng phó với biến động, thì mức độ bán tháo trên thị trường sẽ được giới hạn”, chiến lược gia Henry Allen của Deutsche Bank nhận định.
“Điều đó đồng nghĩa, kịch bản thị trường cổ phiếu sụp đổ trong mùa Hè này chỉ có thể diễn ra nếu chính sách thương mại không thể xử lý được các yếu tố ảnh hưởng đến các nền tảng kinh tế vĩ mô”, chuyên gia Allen lưu ý thêm.
Deutsche Bank cho biết, một số yếu tố có thể kích hoạt bất ổn trong mùa hè này bao gồm: Mỹ áp mức thuế cao hơn vào ngày 1/8, thị trường loại bỏ khả năng cắt giảm lãi suất do tác động làm tăng lạm phát của thuế quan, tăng trưởng kinh tế bắt đầu suy yếu và giá dầu tăng vọt do một cú sốc địa chính trị.
Trong khi đó, sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này cũng hướng đến biên bản cuộc tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư. Nội dung của biên bản này có khả năng cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về thời điểm Fed có thể tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Nguyễn Phương