Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần mới trong sắc đỏ u ám khi các nhà đầu tư đối mặt với một loạt tín hiệu tiêu cực từ chính trường đến kinh tế.
Chỉ số Dow Jones sụt mạnh 971,82 điểm (khoảng 2,48%), đóng cửa tại 38.170,41 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 2,36% và 2,55%, đánh dấu một trong những phiên giảm sâu nhất kể từ đầu năm.
Cổ phiếu Tesla lao dốc 5,8% khi đóng cửa phiên ngày 21/4. Ảnh: Telsa
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chịu áp lực lao dốc sau những lời công kích của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 21/4, Tổng thống Trump đề cập đến số liệu lạm phát tháng 3 - thời điểm trước khi ông công bố gói thuế đối ứng vào đầu tháng 4 này - làm căn cứ để yêu cầu Chủ tịch Fed Jerome Powell hạ lãi suất, nếu không nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
“Gần như không có lạm phát. Ông Powell luôn quá chậm chạp” - ông Trump viết, đồng thời gọi Chủ tịch Fed là một “kẻ thất bại lớn”.
Đáng chú ý, ông Trump còn ám chỉ khả năng “sa thải” ông Powell - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Fed.
Những phát ngôn này từ phía chính quyền khiến giới đầu tư lo lắng về sự độc lập của Fed trong hoạch định chính sách tiền tệ và triển vọng của các tài sản Mỹ.
“Việc chính trị gia tìm cách gây ảnh hưởng đến Fed là một ý tưởng tiêu cực và gây hoang mang cho thị trường”, ông Jed Ellerbroek, Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management cho biết.
Trong khi giới đầu tư lo ngại trước phát ngôn của ông Trump, nhóm cổ phiếu công nghệ – vốn từng dẫn dắt thị trường – lại trở thành tâm điểm bán tháo trong phiên ngày thứ Hai. Cổ phiếu Tesla lao dốc 5,8%, Nvidia mất hơn 4%, Amazon và Meta Platforms đều mất 3%. Nhà sản xuất thiết bị công nghiệp Caterpillar cũng giảm 2,8% khi triển vọng kinh tế toàn cầu thêm mờ mịt.
Đồng USD cũng chịu sức ép và chạm mức thấp nhất trong 3 năm khi các mối đe dọa gia tăng. Trong khi đó, vàng vọt lên mức kỷ lục hơn 3.400 USD/ounce. Giới phân tích cho rằng đây là phản ứng điển hình của thị trường trước một giai đoạn bất ổn chính trị - kinh tế mới.
Theo chiến lược gia trưởng Michael Green của Simplify Asset Management, căng thẳng ngầm giữa Fed và chính quyền Washington đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. “Tình hình hiện nay khiến tôi liên tưởng tới thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, khi mà mọi thứ đều đầy rẫy bất định và thương mại toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng”.
Không chỉ lo ngại về chính sách tiền tệ, nhà đầu tư còn bị tác động bởi tình trạng trì trệ trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác. Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, lên tiếng cảnh báo các quốc gia khác không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Washington nếu điều đó gây tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh.
Từ ngày 2/4 - thời điểm ông Trump công bố gói thuế mới đối với hàng nhập khẩu, S&P 500 đã mất 9%, Nasdaq giảm gần 10% và Dow Jones lao dốc 9,6%. Đây là chuỗi sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2022, cho thấy tác động lan rộng từ chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump.
“Thị trường chứng khoán đang rơi vào trạng thái thiếu phương hướng, vì chưa ai biết chính xác các mức thuế sẽ kết thúc ra sao” - chiến lược gia cấp cao Robert Haworth tại U.S. Bank nhận định. “Nếu sự bất định kéo dài thêm vài quý nữa, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận doanh nghiệp và các quyết định đầu tư”.
Theo báo cáo của Canaccord Genuity, các nhà đầu tư Phố Wall nên chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn biến động mạnh mẽ hơn vào mùa Hè năm nay, khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế cao đối với một số đối tác thương mại của Mỹ sẽ kết thúc vào tháng 7.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao các số liệu kinh tế đầu tiên phản ánh mức độ ảnh hưởng từ các mức thuế mới của Mỹ, và cách chính quyền cũng như thị trường phản ứng khi thời điểm tạm hoãn mức thuế cao kết thúc," chuyên gia Michael Graham của Canaccord Genuity cho hay.
Tuy vậy, chuyên gia Graham cho rằng sự hỗn loạn có thể đã qua thời đỉnh điểm. “Mặc dù bức tranh thuế quan vẫn còn nhiều bất định, nhưng tình hình hiện nay ít rối hơn so với vài tuần trước. Tổng thống Trump đang gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, mở ra khả năng đàm phán mới. Với các mức thuế ‘Ngày Giải phóng’ hiện được xem là mức trần, thị trường có thể sẽ linh hoạt hơn với các thông tin tiếp theo”.
Nguyễn Phương