Kinh tế và việc làm là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ dành cho các ứng viên Tổng thống
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ này, kinh tế và việc làm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ dành cho các ứng viên. Ở bối cảnh hiện tại, người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao. Nhiều người cảm thấy không được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, dù các chỉ số vĩ mô cho thấy dấu hiệu tích cực. Các chính sách về thuế và chi tiêu chính phủ cũng là điểm nóng trong các cuộc tranh luận.
Đáng lưu ý, một trong những thách thức lớn nhất của cuộc bầu cử năm 2024 là vấn đề thông tin sai lệch và tin giả. Niềm tin vào kết quả bầu cử vẫn là mối quan ngại sau những tranh cãi về cuộc bầu cử năm 2020. Sự phân cực trong việc tiếp nhận thông tin khi cử tri hai đảng tin tưởng vào các nguồn tin khác nhau càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Các vấn đề khác được cử tri quan tâm bao gồm biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và chính sách di cư. Trong đó, với vấn đề di cư, Đảng Cộng hòa ủng hộ các chính sách hạn chế, trong khi Đảng Dân chủ có xu hướng cởi mở hơn.
Nhìn chung, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 không chỉ là cuộc đua giữa các ứng viên, mà còn là thước đo cho những thách thức và mối quan tâm sâu sắc của xã hội Mỹ đương đại. Từ vấn đề kinh tế - xã hội đến những thách thức về thông tin và niềm tin, cuộc bầu cử này dự kiến sẽ có những tác động sâu rộng đến tương lai của nước Mỹ và thế giới.
Đối với thị trường tài chính, kết quả bầu cử có khả năng tác động mạnh đến thị trường, bởi các chính sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Dựa trên các trang dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử như Kalshi và Polymarket, tính đến ngày 28/10/2024, ông Donald Trump đang chiếm lợi thế với tỷ lệ phần trăm cơ hội chiến thắng cao hơn so với bà Kamala Harris, mặc dù các cuộc thăm dò ở các bang chiến địa đang khá cân bằng. Do đó, dù thị trường có thể biến động theo cả hai hướng, nhưng dự kiến sẽ có nhiều bất ngờ và biến động hơn nếu bà Harris chiến thắng.
Theo các cuộc thăm dò hiện tại, Đảng Cộng hòa có khả năng giành chiến thắng tại Thượng viện, còn Đảng Dân chủ có khả năng giành chiến thắng tại Hạ viện. Điều này đồng nghĩa với việc tân Tổng thống sẽ phải làm việc với ít nhất một viện do đảng đối lập kiểm soát, khiến việc thực thi chính sách có thể gặp khó khăn.
Các chuyên gia của Ngân hàng Italy trong một nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu ông Trump chiến thắng thì thị trường trái phiếu có thể sẽ biến động mạnh, thị trường cổ phiếu tăng giá và giá dầu đi xuống.
Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng hoạt động tốt hơn dưới thời các Tổng thống Đảng Dân chủ, với mức chênh lệch hơn 10% mỗi năm. Tuy nhiên, điều này có thể do hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn (1929 và 2008) xảy ra dưới thời các chính quyền Đảng Cộng hòa và giai đoạn phục hồi diễn ra dưới thời Đảng Dân chủ.
Trong đó, thị trường tài chính Mỹ thường hoạt động tốt hơn trong giai đoạn trước bầu cử, như năm nay với chỉ số S&P 500 tăng 23%, sau đó có xu hướng giảm trong những năm sau bầu cử.
Mặc dù vậy, vị trí Tổng thống không phải là yếu tố chính quyết định xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, mà là xu hướng lợi nhuận các doanh nghiệp tích cực theo thời gian, trừ khi có khủng hoảng tài chính.
Anh Quý / Theo báo chí nước ngoài