Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên ngày 26/11. Ảnh: Investopedia.com
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tăng 123,74 điểm, tương đương 0,28%, lên mức 44.860,31 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,57%, đạt 6.021,63 điểm. Cả hai chỉ số này đều lập kỷ lục trong phiên và kỷ lục lúc đóng cửa.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 0,63%, chốt phiên ở mức 19.174,3 điểm.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tối 25/11 (giờ Mỹ) cho biết ông sẽ áp đặt mức thuế có điều kiện 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico. Ông cũng vạch ra "mức thuế bổ sung 10%” đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thị trường Phố Wall dường như không bận tâm nhiều đến tuyên bố thuế quan mới từ ông Trump.
Theo đánh giá của nhà quản lý quỹ Jamie Cox của công ty Harris Financial, nhà đầu tư một mặt nghĩ những lời đe dọa thuế quan đó có thể sẽ không trở thành hiện thực, mặt khác cho rằng những cảnh báo đó đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu.
Vị chuyên gia lưu ý: “Tâm lý của giới đầu tư không quá lo lắng vì họ tin nếu được áp đặt, mức thuế quan của ông Trump có thể sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì ông đe dọa. Cảnh báo mới nhất được xem là chiến thuật đàm phán thay vì sẽ được áp dụng thực sự”.
Mặc dù S&P 500 tăng, một số cổ phiếu cụ thể bị ảnh hưởng bởi cảnh báo của ông Trump, bởi đây là những doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thuế quan được áp. Trong phiên, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô như Ford và General Motors, vốn có chuỗi cung ứng tích hợp cao ở Mexico, Mỹ và Canada đã giảm lần lượt 2,6% và 9%.
“Mức thuế mới sẽ khiến một số dòng sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn, điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ suy giảm hoặc giá cả sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên. Hiện tại, thị trường cổ phiếu đang biến động vì có quá nhiều sự không chắc chắn” - Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Dakota Wealth, ông Robert Pavlik, nói với hãng tin Reuters.
Về khía cạnh kinh tế, biên bản cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức dường như bất đồng về việc cần tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm bao nhiêu. Theo biên bản mới nhất, Fed cho biết họ dự báo sẽ hạ lãi suất trong tương lai, nhưng chỉ dự báo sẽ thực hiện “từ từ”.
“Biên bản của Fed không làm thay đổi quan điểm của tôi về việc sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất vào tháng 12 và tiếp tục như vậy trong năm tới”, Jamie Cox, đối tác quản lý tại Harris Financial Group nhận xét.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại tỏ ra thận trọng hơn.Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ Paul Ashworth của Capital Economics cho biết, ông vẫn kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa với mức 0, 25% trong năm nay, nhưng quyết định còn phụ thuộc vào dữ liệu, đặc biệt là số liệu việc làm và lạm phát trong tháng 11.
Mặc dù thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một năm đầy khởi sắc, ngân hàng Deutsche Bank nhận định rằng cổ phiếu vẫn đối mặt nhiều rủi ro trong thời gian tới.
Theo chiến lược gia vĩ mô Henry Allen của Deutsche Bank, 3 yếu tố có thể sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng của thị trường chứng khoán trong dài hạn gồm: nguy cơ suy thoái kinh tế, căng thẳng chính trị gia tăng và cú sốc lạm phát.
Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman mới đây nói rằng tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng T.Ư Mỹ đã “đình trệ” trong vài tháng qua, khi các chỉ số lạm phát (ngoại trừ giá xăng dầu và ô tô) hầu như không có sự thay đổi đáng kể. Ông Bowman cho biết: “Nếu xu hướng này tiếp diễn, Fed có thể quyết định tạm dừng việc cắt giảm lãi suất.
Nguyễn Thu