Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones giảm 0,95% thành 40.829,00 điểm, S&P 500 mất 0,77% xuống 5.606,91 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 0,87% còn 17.689,66 điểm.
Cổ phiếu Tesla mất 1,8% khi doanh số xe mới của hãng tại Anh và Đức trong tháng 4 rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, mặc dù nhu cầu về xe điện vẫn tăng.
Cổ phiếu Goldman Sachs cũng trượt 1,8%, góp phần kéo Dow Jones trượt dốc. Các “gã khổng lồ” công nghệ như Nvidia và Meta Platforms đều chứng kiến giá cổ phiếu đi lùi.
Phố Wall chao đảo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Canada Mark Carney, đánh dấu cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Carney nhậm chức đầu năm nay. Tại cuộc gặp, ông Trump rút lại những cam kết trước đó về các thỏa thuận thương mại, đồng thời tuyên bố: “Chúng ta không nhất thiết phải ký kết bất cứ thỏa thuận nào.”
Phát biểu này là hoàn toàn mâu thuẫn với chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trước đó trong tuần. Ông Bessent từng cho biết: “Chúng tôi đang tiến rất gần với một số thỏa thuận”, lặp lại nhận định mà chính ông Trump đưa ra hôm 4/5 rằng các thỏa thuận với Canada có thể được ký ngay trong tuần này.
Giới đầu tư hiện đang tập trung vào các diễn biến thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc. Tuần trước, Bắc Kinh tiết lộ họ đang xem xét lời đề nghị đàm phán từ phía Washington. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent lại lưu ý rằng mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đang thương lượng với 17 đối tác thương mại lớn, nhưng vẫn chưa có cuộc đàm phán nào với Trung Quốc.
“Trước đây thị trường gần như chia thành hai phe, một là những người lo ngại và hai là những người tin rằng các cuộc đàm phán diễn ra nhanh chóng. Nhưng giờ đây, tâm lý đang nghiêng dần về phía tiêu cực”, ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, nhận xét.
Ông Meckler cũng nói thêm rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của thị trường: “Hiện vẫn chưa rõ liệu họ có đạt được thỏa thuận hay sẽ tiến đến một cuộc chiến thương mại toàn diện”.
Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tuyên bố chính sách mới sau cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào 7/5. Dự kiến, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ được thị trường chú ý hơn cả để tìm kiếm manh mối về khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai.
“Bất chấp áp lực từ bên ngoài, Fed có thể sẽ tiếp tục giữ nguyên lập trường hiện tại cho đến khi có cái nhìn rõ ràng hơn về những vấn đề đang ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại TruStage, bình luận.
GIÁ DẦU TĂNG 3%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã leo khoảng 3% sau hàng loạt dấu hiệu về nhu cầu cao hơn ở châu Âu và Trung Quốc. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,92 USD, tương đương 3,2%, lên mức 62,15 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,96 USD, tương đương 3,4%, lên 59,09 USD/thùng.
Cả hai đều đã tăng trở lại từ vùng “quá bán” về mặt kỹ thuật, sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 do quyết định tăng sản lượng của OPEC+.
“Thị trường có thể đang chứng kiến hiện tượng “bắt đáy” khi nhà đầu tư chốt lời từ các vị thế bán khống, điều này tạo động lực lớn cho đà phục hồi giá hôm nay”, các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates lưu ý.
OPEC+, tổ chức gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, đã quyết định tăng tốc sản lượng dầu trong tháng thứ hai liên tiếp.
“Sau khi đánh giá động thái mới nhất của OPEC+, các nhà đầu tư hiện đang chuyển sự chú ý sang diễn biến thương mại và khả năng đạt được các thỏa thuận”, ông Tamas Varga, nhà phân tích tại PVM nhận định.
Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ khi chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc tăng cao trong dịp lễ Lao động và khi các nhà giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài năm ngày.
Kim Nguyễn