Kinh tế và chứng khoán Việt Nam tiếp tục có triển vọng khả quan.
Kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định trong năm 2024, dù trải qua một loạt thách thức đến từ sự kiện bầu cử ở nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 đạt 3,2%. Trong đó, điểm sáng trong năm qua đến từ việc các ngân hàng trung ương đã kiểm soát được lạm phát và bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên diện rộng để thúc đẩy kinh tế.
Điều này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025, nhưng theo chiều hướng thận trọng hơn, trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng.
Trong tháng 12/2024, các ngân hàng trung ương lớn có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ như Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, Ngân hàng Trung ương Canada cắt giảm lãi suất 0,5%/năm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển hạ lãi suất 0,25%/năm; các ngân hàng trung ương nhóm G10 có các quyết định tương tự. Bên cạnh đó, có 14/18 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi hạ lãi suất trong tháng cuối năm 2024.
Việc các nền kinh tế lớn hạ lãi suất đang mở ra cơ hội cho dòng vốn ngoại sớm quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), năm 2024, khối ngoại đã rút ròng 90.311 tỷ đồng, tập trung vào giai đoạn nửa cuối năm, khi đồng USD mạnh lên và hiện tượng đóng các vị thế carry trade tại Nhật Bản diễn ra với quy mô lớn, dẫn tới áp lực rút vốn tại các quỹ chỉ số, quỹ đầu tư.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital đánh giá, năm 2024, khối ngoại rút ròng kỷ lục tại thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường trong khu vực, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất còn cao, dòng tiền thận trọng với các thị trường cận biên và mới nổi do lo ngại bất ổn kinh tế toàn cầu kéo dài.
Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất ở các nước phát triển đang từng bước hạ xuống, đồng thời định giá thị trường đã giảm trong nửa cuối năm 2024 và đặc biệt là câu chuyện nâng hạng thị trường, trong năm 2025, có thể kỳ vọng khối ngoại sẽ sớm quay trở lại, góp phần nâng định giá thị trường chứng khoán sau giai đoạn giao dịch ảm đạm kéo dài.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường cận biên và mới nổi. Thêm nữa, triển vọng nâng hạng thị trường theo FTSE và cải cách theo MSCI giúp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế, từ đó thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam.
Khi mặt bằng lãi suất ở các nước phát triển đang từng bước hạ xuống, đồng thời định giá thị trường đã giảm trong nửa cuối năm 2024 và đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường có thể khiến dòng vốn ngoại sớm quay trở lại.
Đặc biệt, chính sách cải cách, tinh giản bộ máy nhà nước, được Chứng khoán Rồng Việt nhận định, sẽ là một làn gió mới và mạnh mẽ trong bức tranh vĩ mô năm 2025, với khởi đầu đưa đến nhiều kỳ vọng và sự lạc quan. Chính sách này sẽ là đòn bẩy tạo sức bật cho các động lực tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng đều đang phục hồi, nhất là khi chiến lược “Trung Quốc +1” của các nhà sản xuất toàn cầu có thể sẽ phổ biến hơn sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Tuy nhiên, thị trường năm 2025 vẫn tiềm ẩn rủi ro liên quan tới tỷ giá. Việc đồng Việt Nam giảm giá ảnh hưởng tới chi phí nhập khẩu, niềm tin nhà đầu tư ngoại, áp lực trả nợ vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, Mỹ có thể sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam từ 10 - 20%; thị trường xuất khẩu còn đối mặt với rủi ro bất ổn địa chính trị trên thế giới, căng thẳng thương mại quốc tế.
Rủi ro Carry trade và ẩn số thuế quan
Thị trường tài chính thế giới năm 2024 đã có giai đoạn tháng 8 đầy sóng gió khi hiện tượng đóng vị thế carry trade đã làm rung chuyển nhiều thị trường.
Đa số quỹ ETF bị rút vốn hàng loạt, nhà đầu tư rút tiền ở các thị trường cận biên, mới nổi và hồi hương về Nhật Bản, gây ra hiện tượng bán tháo trên thị trường toàn cầu, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất trở lại.
Mới đây, đầu năm 2025, ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phát đi tín hiệu sẽ tăng thêm lãi suất nếu nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Trước đó, trong thời kỳ giảm phát của Nhật Bản (giai đoạn thập kỷ mất mát), các công ty “xứ hoa anh đào” đã tăng mức chi trả cổ tức và tăng đầu tư ra nước ngoài; ngược lại, đầu tư và tiêu dùng trong nước thiếu động lực.
Vì vậy, động thái tăng lãi suất để kích thích dòng tiền hồi hương mặc dù là tín hiệu tốt với Nhật Bản, nhưng lại là nỗi lo với các quốc gia nhận được dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước này trong nhiều năm qua.
Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn và tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn và tăng 37,5%. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Như vậy, Nhật Bản tiếp tục là thị trường ghi nhận nhiều nhà đầu tư đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, nên hiện tượng đóng vị thế carry trade tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường trong năm 2025 (nhà đầu tư rút vốn tại thị trường cận biên, bao gồm Việt Nam).
Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Mỹ thời kỳ “Trump 2.0” dự kiến sẽ khó lường. Chứng khoán Rồng Việt xây dựng kịch bản cơ sở với xác suất 60% xảy ra là chính quyền “Trump 2.0” sẽ áp dụng thuế quan/biện pháp phòng vệ thương mại có mục tiêu và liên kết các thuế quan này với các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, với mục tiêu cuối cùng là hướng đến hàng hóa Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để né mức thuế cao hơn từ Mỹ.
Xác suất Việt Nam bị áp thuế từ 10 - 20% (dù thấp) có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, theo đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu.
Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra dự báo tích cực, với xác suất 35% là chính sách thuế quan của chính quyền Donald Trump áp dụng mức 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và không áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam.
Carry trade là chiến lược mà trong đó nhà đầu tư đi vay bằng đồng tiền của một nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản, sau đó đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn. Hoạt động carry trade phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng: Đồng tiền đi vay phải rẻ và biến động trên thị trường ở mức thấp.
Duy Bắc