VN-Index vượt mốc 1.300 điểm
Phiên giao dịch ngày 24/2 khép lại với nhiều biến động khi thị trường liên tục thử thách ngưỡng 1.300 điểm. Mở đầu phiên sáng, VN-Index dao động giằng co quanh tham chiếu trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Dòng tiền chảy mạnh vào một số nhóm ngành nhất định, giúp thị trường duy trì sự sôi động, nhưng áp lực bán cũng gia tăng khi chỉ số tiếp cận vùng cản tâm lý quan trọng.
Sang phiên chiều, thị trường có thời điểm suy yếu khi VN-Index không thể giữ vững mốc 1.300 điểm. Áp lực bán gia tăng khiến nhiều cổ phiếu điều chỉnh, đẩy chỉ số về sắc đỏ. Dù vậy, dòng tiền mạnh mẽ quay trở lại ngay sau đó, tập trung vào các nhóm ngành dẫn dắt.
Thị trường nhanh chóng đảo chiều, kéo VN-Index phục hồi mạnh mẽ. Đà tăng tiếp tục mở rộng về cuối phiên, đưa chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. VN-Index chính thức vượt qua ngưỡng 1.300 điểm và củng cố tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch ngày 24/2.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.304,56 điểm, tương ứng tăng 7,81 điểm (0,6%) so với phiên trước. Toàn sàn HoSE có 260 mã tăng, 194 mã giảm và 83 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,92 điểm (0,39%) lên 239,49 điểm, với 79 mã tăng, 91 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,21 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 892,4 triệu cổ phiếu (tăng 20,5%), tương ứng giá trị giao dịch ở mức 21.097 tỷ đồng (tăng 32,4%). Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tăng 28% lên mức 18.550 tỷ đồng.
"Bank – chứng – thép" kéo thị trường
Tâm điểm của thị trường phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép, đều là những nhóm ngành có tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Khởi đầu là sự bứt phá đến từ nhóm cổ phiếu thép, trong đó nổi bật nhất là HPG. Thông tin Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC từ Trung Quốc giúp cổ phiếu này bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên và thậm chí chạm mức giá trần. Đóng cửa, HPG tăng 4,7%. Các mã thép khác cũng tăng mạnh có TLH tăng trần, TVN tăng 6,8%, VGS tăng 6,3%... NKG và HSG tăng lần lượt 2,5% và 2%.
Ở nhóm chứng khoán, BSI được kéo lên mức giá trần, FTS tăng 6,6%, APG tăng 4,4%, BVS tăng 3,9%, MBS tăng 2,8%. Việc nhóm chứng khoán bứt phá mạnh giúp dòng tiền được giữ ổn định trên thị trường trong bối cảnh một số nhóm ngành cổ phiếu khác chịu áp lực mạnh.
Ảnh minh họa.
Tại nhóm ngân hàng, HDB, STB, SHB, CTG… đồng loạt tăng giá giúp củng cố vững sắc xanh của VN-Index. Chốt phiên giao dịch, HDB tăng 1,7%, STB tăng 1,4%, VIB tăng gần 1%. Các cổ phiếu như VNM, REE… cũng có mức tăng tích cực.
Ở hướng ngược lại, FPT gây áp lực lên thị trường chung khi giảm 1%. Cổ phiếu này tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh với khối lượng gần 1,8 triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu khoáng sản và bất động sản có biến động tiêu cực. Ở nhóm khoán sản, KSV, BMC, MGC… đều bị kéo xuống mức giá sàn. MSR giảm trở lại 13,7%, HGM giảm 8%.
Nhóm bất động sản không rơi vào tình trạng bị bán tháo như nhóm khoáng sản, nhưng sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn. NVL giảm 1,5%, DPG giảm 1,3%, NLG giảm 0,6%.../.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 260 tỷ đồng trên sàn HoSE. Dòng vốn ngoại bán ròng mạnh nhất mã FPT với 250 tỷ đồng. HPG đứng sau với giá trị bán ròng 153 tỷ đồng. FRT và CTG bị bán ròng lần lượt 71 tỷ đồng và 54 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VNM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 193 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng 130 tỷ đồng. SHB và GEX được mua ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Minh Tuấn