VN-Index giảm hơn 5 điểm
Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay bất ngờ quay đầu giảm điểm trong phiên 26/3. Áp lực chốt lời tăng cao vào phiên chiều khiến VN-Index có thời điểm mất hơn 7 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm -5,83 điểm, về mức 1.326,09 điểm, số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 286 mã giảm, có 77 mã giữ giá tham chiếu và 176 mã tăng giá.
Diễn biến của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 26/3.
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: HPG (+1,29), TCB (+0,36), VIC (+0,18), GAS (+0,45), VRE (+0,76)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu đã gây áp lực cho VN-Index gồm: VCB (-0,6), BID (-0,38), CTG (-1,3), FPT (-2,77), VPB (-0,77)...
Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ với 14/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên hôm nay là các nhóm ngành như chứng khoán, hàng không, thực phẩm tiêu dùng, công nghệ viễn thông... Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng tăng điểm trong phiên bao gồm: thép, cảng biển, dầu khí,...
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 lại giảm 7,32 điểm, về mức 1.381,47 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 10 mã giảm, chỉ có 4 mã giữ giá tham chiếu và 7 mã tăng giá.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường hụt hơi, sụt giảm -12.8% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 771 triệu cổ phiếu ( 20,01%), tương đương 18.725 tỷ đồng (-16,35%) về giá trị giao dịch.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cùng giảm điểm nhẹ. Trong đó, chỉ số HNX-Index giảm 3,23 điểm về mức 241,33 điểm, trong khi chỉ số UPCoM-Index giảm nhẹ 0,32 điểm về mức 98,85 điểm.
Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng với giá trị bán ròng hơn 535 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 513 tỷ đồng tập trung ở các mã FPT (309 tỷ đồng); TPB (128 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, loạt cổ phiếu khác bị bán ròng vài chục tỷ đồng còn có DBC (-58 tỷ đồng); VHM (-52 tỷ đồng); HCM (-47 tỷ đồng),... Ngược chiều, cổ phiếu VRE được mua ròng mạnh tay 162 tỷ đồng, STB cũng được mua ròng tới 56 tỷ đồng. Theo sau, BID (+49 tỷ đồng), GVR (+28 tỷ đồng) và VPB (+18 tỷ đồng). Trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 11 tỷ đồng.
Tấm lý nhà đầu tư thận trọng hơn
Thị trường chứng khoán hôm nay dòng tiền suy yếu nhanh chóng kéo theo một phiên giao dịch đầy khó khăn với áp lực bán gia tăng từ khá sớm. Thị trường đạt đỉnh sau gần 1 giờ giao dịch đầu tiên trong nỗ lực công phá ngưỡng kháng cự 1.340 điểm.
Lực cầu hụt hơi rõ ràng đặc biệt ở nhóm vốn hóa lớn khiến thị trường từ từ giảm điểm trong quãng thời gian còn lại. Tốc độ đảo chiều điều chỉnh không quá nhanh, mức độ giảm điểm không quá sâu tuy nhiên lực cầu yếu là nguyên nhân chính khiến bên bán mất kiên nhẫn và tiếp tục hạ giá.
Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh ở vùng này với áp lực bán giá cao ở các mã đã tăng mạnh, trong khi phục hồi ở các mã, nhóm mã đã chịu áp lực điều chỉnh. Sau khi nhiều lần gặp kháng cự mạnh, nhiều mã bắt đầu chịu áp lực bán mạnh hơn.
Chứng khoán ngày 26/3: Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến VN-Index giảm điểm. Ảnh: T.L
Trong khi đó, thanh khoản thị trường giảm với khối lượng giao dịch giảm thể hiện tâm lý thị trường bắt đầu thận trọng hơn khi rất nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh và chưa chắc chắn về kết quả kinh doanh quý I/2025.
Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến các trụ bị ép giá mạnh. VHM có lúc bốc hơi 2,52%, VIC giảm 2,11% và nhiều cổ phiếu lớn khác hạ độ cao. Nhịp giảm khá mạnh chiều nay cho thấy nhà đầu tư đang rất nhạy cảm với diễn biến của các cổ phiếu trụ.
VN-Index giảm hơn 8 điểm cũng không phải là quá nhiều, nhưng nếu các trụ thật sự quay đầu, tâm lý rất khó ổn định, nhất là ở thời điểm thị trường chưa thể đột phá vùng đỉnh 1.340 điểm. Trong khi nhóm ngân hàng hiện sắc đỏ. Các trụ cột VCB, BIDV, CTG, VPB đều giảm giá. FPT là mã lấy đi nhiều điểm nhất với hơn 1,2 điểm.
Cổ phiếu TCB và một số mã khác như GAS, HPG hiện sắc xanh, đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index, cũng không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm điểm.
Nhìn chung diễn biến của nhóm bluechips đã có tác động xấu đến giao dịch chung trong phiên chiều. Không chỉ độ rộng kém hơn hẳn phiên sáng mà mặt bằng giá cổ phiếu cũng thấp đi nhiều./.
Mai Tấn