VN-Index giảm 0,5 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến rung lắc trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Chỉ số chính nhiều lần vượt qua mốc tham chiếu, song lực cầu không mấy mặn mà khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm -0,5 điểm, về mức 1.226,3 điểm. Số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 274 mã giảm, có 72 mã giữ giá tham chiếu và 226 mã tăng giá.
Diễn biến của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 29/4.
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: TCB (+1,15), VNM (+0,17), CTG (+0,95), VRE (+2,38), HVN (+1,77)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu đã gây áp lực cho VN-Index gồm: VCB (-0,35), VHM (-0,17), HPG (-0,58), FPT (-0,09), GAS (-0,17)...
Độ mở thị trường quay lại với sắc đỏ khi đa số ngành giảm điểm. Phục hồi tích cực ở các mã cảng vận tải biển, dệt may, bất động sản, vật liệu xây dựng... trong khi đó ở chiều giảm tập trung nhiều ở nhóm tài chính, dầu khí, khoán sản, bán lẻ.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 cũng giảm -2,59 điểm, về mức 1.309,73 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 17 mã giảm, 5 mã giữ giá và 8 mã tăng giá.
Thanh khoản thị trường tăng nhưng với khối lượng giao dịch trên HOSE giảm -2,5% so với phiên trước, khoảng 75% mức trung bình. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 675 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.534 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính lại có diễn biến tích cực hơn khi cùng tăng điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng +0,49 điểm lên mức 211,94 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng +0,17 điểm lên mức 92,42 điểm.
Trong khi đó, khối ngoại cũng bán ròng mạnh tay hơn 337 tỷ đồng phiên hôm nay. Trên HoSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 254 tỷ đồng. Chiều bán, cổ phiếu VIC bị bán ròng mạnh tay khoảng 242 tỷ đồng, SAB cũng bị bán ròng 100 tỷ đồng. Theo sau, các mã khác cũng bị bán ròng hàng chục tỷ đồng còn có VPB (-90 tỷ đồng); FPT (-62 tỷ đồng), HDB (-51 tỷ đồng)...
Ngược chiều, cổ phiếu VRE, MWG được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lần lượt 157 và 132 tỷ đồng. Xếp tiếp theo, cổ phiếu VCI, CTG và GMD đồng loạt được mua ròng khoảng 39-54 tỷ đồng mỗi mã. Trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 71 tỷ đồng.
Thị trường phân hóa mạnh
Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư có tâm lý nghỉ lễ sớm, nên thị trường chứng khoán hôm nay dao động trong biên độ hẹp. VN-Index nhiều lần đảo chiều từ tăng thành giảm và ngược lại, nhưng mức độ điều chỉnh giá không lớn. Phần lớn do thị trường chưa có động lực tăng trưởng tốt và trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. Thị trường phân hóa mạnh, các mã phục hồi tốt có kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực.
Trong phiên chiều, dòng tiền đẩy giá lên khá tốt chiều nay giúp thị trường có một nhịp phục hồi tích cực. VN-Index gần cuối phiên đã vượt qua tham chiếu. Tuy nhiên sự hụt hơi của nhóm cổ phiếu bluechips khiến nỗ lực không đạt kết quả. SAB giảm 6,05%, lấy đi xấp xỉ 1 điểm của Vn-Index. Rất may là vốn hóa của SAB không quá lớn, chỉ đứng thứ 21 trên sàn HOSE. Tuy nhiên biên độ giảm là rất mạnh. Một số cổ phiếu giảm sâu nhất trong rổ VN30 cũng có vốn hóa hạn chế là VJC giảm 3,48%, BCM giảm 1,26%, SSB giảm 1,08%.
Chứng khoán ngày 29/4: Giao dịch giằng co, VN-Index giảm điểm nhẹ trước kỳ nghỉ lễ. Ảnh: T.L
Diễn biến phục hồi của VN-Index trong phiên chiều có sự góp sức của khá nhiều cổ phiếu lớn, dù không phải mã nào cũng tăng. VIC nỗ lực quay đầu và lên lại tham chiếu tương từ mức giảm 2,93% thời điểm chốt phiên sáng. VHM cũng co hẹp mức giảm còn 0,17%, tương đương tăng chiều nay tới 1,04%. VRE ấn tượng đảo chiều thành tăng 2,38% so với tham chiếu.
Nhiều mã thu hút thanh khoản khá cao chiều nay, đẩy giao dịch cả phiên lên mạnh. TCB tăng 1,15%, VRE tăng 2,38%, VSC tăng 6,92%, GMD tăng 3,92%, HAH tăng 5,94%, DXG tăng 3,77%, GEX tăng 1,73%, KBC tăng 1,33%, EVF tăng 1,18% đều là các cổ phiếu thanh khoản vượt trăm tỷ đồng.
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ cũng có cả loạt cổ phiếu tăng trên 3% dù thanh khoản hạn chế hơn. DCL, TDH, DC4, TCO kịch trần; TDC, FIR, VOS, VHC, YEG, MSH, DRH, TTA… đều có mức tăng ấn tượng. Dù vậy chỉ số Midcap cũng chỉ tăng 0,12%, Smallcap tăng 0,84%.
Nhóm giảm giá trên 1% và chịu sức ép cao nhất, thể hiện ở thanh khoản lớn nhất cũng không nhiều. VIC và VHM đã mạnh lên đáng kể và chỉ có SAB là chịu thêm áp lực. VND, HAG, PDR, FTS, EIB là các cổ phiếu yếu nổi bật hơn phần còn lại. Dù vậy tổng số giảm trên 1% ở HoSE cuối phiên cũng chỉ 64 mã, chiếm 11,2% giao dịch sàn này.
Thị trường đang cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh. Áp lực cung ngắn hạn, áp lực dư nợ ký quỹ giảm tương đối và kết quả kinh doanh là động lực cho thị trường phục hồi. Tuy nhiên với nhiều yếu tố cơ bản đã suy yếu. VN-Index có thể sẽ tích lũy kéo dài trong biên độ hẹp cho đến khi bắt đầu có thông tin về kết quả đàm phán thương mại.
Các chuyên gia cho rằng rất nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn bán tháo vẫn đang tương đối rẽ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Phù hợp các vị thế tỉ trọng dưới trung bình tích lũy thận trọng, hoặc xem xét mua lướt ngắn hạn hạ giá vốn đầu tư. Trong tháng 5/2025 hệ thống giao dịch KRX sẽ đi vào vận hành, kỳ vọng thị trường có phản ứng tích cực hơn với hệ thống giao dịch mới.
Mai Tấn