CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025, ghi nhận doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 112,1 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đóng góp lớn nhất đến từ lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với khoản lãi 51,7 tỷ đồng, cao gấp 3,5 cùng kỳ năm ngoái. Khoản lãi từ hoạt động này đóng góp đến 46% doanh thu hoạt động của VFS.
Tiếp đến là lãi từ các khoản cho vay và phải thu kỳ này mang về 33,9 tỷ đồng, tương đương tăng 54% so với cùng kỳ, đóng góp 30% doanh thu.
Kỳ này, lãi từ các tài sản ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của VFS cũng tăng mạnh so với quý II năm ngoái, mang về 11,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi trừ đi khoản lỗ FVTPL gần 3 tỷ đồng, hoạt động này mang về khoảng 8,7 tỷ đồng. Cùng kỳ, tuy lãi FVTPL của VFS rất thấp nhưng lại được hưởng lợi nhờ chênh lệch đánh giá lại các tài sản FVTPL giúp công ty chứng khoán này lãi khoảng 11 tỷ đồng.
Được biết, giá trị tài sản FVTPL của VFS đã tăng từ 111,6 tỷ đồng lên 367,6 tỷ đồng cuối quý II, chủ yếu do xuất hiện khoản đầu tư mới trị giá 264 tỷ đồng vào trái phiếu chính phủ.
Diễn biến thay đổi tài sản FVTPL của VFS cho thấy công ty chứng khoán này đã thanh lý một số khoản đầu tư vào cổ phiếu PVS (hơn 2,6 tỷ đồng), VCG (2,7 tỷ đồng), SHB (2,1 tỷ đồng) trong quý I/2025. VFS tăng mua SSI trong quý I sau đó bán hết trong quý II. Hiện giá trị cổ phiếu là tài sản FVTPL lớn nhất của VFS là HHC với giá trị thị trường 103,5 tỷ đồng.
Đồng thời, báo cáo tài chính quý I/2025 ghi nhận một số khoản tài sản FVTPL là cổ phiếu niêm yết được phát sinh gồm PC1, VCB, VNM, TSJ. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý II, các mã cổ phiếu này không còn xuất hiện trong báo cáo, cho thấy việc VFS đã thực hiện những khoản đầu tư ngắn hạn ở những mã cổ phiếu này.
Ngược lại với hoạt động đầu tư tài sản TVTPL, VFS đã gia tăng mạnh các khoản đầu tư HTM. Đầu năm 2025, giá trị tài sản HTM ở mức 2.476 tỷ đồng trong đó 1.626 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn & chứng chỉ tiền gửi dưới 1 năm và 850 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết dài hạn. Nhưng đến cuối quý II, giá trị tài sản HTM đã tăng lên 4.211 tỷ đồng, chủ yếu tăng mạnh trong quý II (từ mức 2.831 tỷ đồng cuối quý I) và chiếm 70% tổng tài sản.
Trong đó, các khoản tiền gửi ngắn hạn, chứng chỉ tiền gửi có giá trị lên đến 3.211 tỷ đồng, tương đương 53% tổng tài sản của VFS. Bên cạnh đó, khoản đầu tư trái phiếu chưa niêm yết dài hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản của Chứng khoán Nhất Việt là tài sản HTM.
Nhờ việc mang phần lớn tài sản đi gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu, lãi từ tài sản HTM nay đã trở thành hoạt động mang lại doanh thu chính cho VFS. Tuy nhiên việc phân bổ nguồn vốn cũng là một vấn đề của VFS.
Xét về nguồn vốn, công ty chứng khoán này có vốn chủ sở hữu 1.650 tỷ đồng. Nợ phải trả đang ở mức 4.366 tỷ đồng, gấp đôi nợ phải trả hồi đầu năm và gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, phần lớn nợ phải trả của VFS là nợ ngắn hạn. Nợ phải trả ngắn hạn cuối quý II chiếm 4.358 tỷ đồng, trong đó 4.329 tỷ đồng là vay nợ thuê tài chính ngắn hạn từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính, tương đương 72% tổng nguồn vốn của VFS đến từ vay tài chính.
Điều này cho thấy, VFS đang mang phần lớn tiền đi vay để gửi ngân hàng lấy lãi.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của VFS đạt 34,9 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này đạt 205 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 66,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 83% và 17% so với cùng kỳ 2024.
Năm 2025, VFS đặt mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu năm 2025 hơn 515 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế 137,98 tỷ đồng. Với kết quả trong 6 tháng, VFS đã thực hiện được 48% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nguyên Minh