Chỉ số VN-Index vừa có phiên "rút chân" hơn 60 điểm để thu hẹp đà giảm từ 70 điểm xuống dưới 10 điểm. Ảnh: Nam Khánh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tương đối ảm đạm trong sáng 22/4. Trước tình trạng cả 2 phe bán và mua đều thận trọng, VN-Index chỉ biến động quanh mốc tâm lý 1.200 điểm.
Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, sự thoái lui diện rộng của phe mua bất ngờ đẩy VN-Index rơi tự do gần 70 điểm và lùi xuống tận mốc 1.140 điểm. Song, nhịp điều chỉnh chóng vánh này nhanh chóng kích hoạt dòng tiền bắt đáy, qua đó đưa VN-Index thu hẹp mức độ thiệt hại.
Kết phiên, VN-Index giảm 9,94 điểm (-0,8%) xuống 1.197,13 điểm; HNX-Index giảm 3,76 điểm (-1,8%) xuống 207,71 điểm; UPCoM-Index giảm 1,23 điểm (-1,35%) xuống 89,67 điểm.
Diễn biến bất ngờ của chỉ số chính đã đẩy thanh khoản trên trên cả 3 sàn vọt lên gần 37.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng gần 2 tuần qua.
Dù biên độ điều chỉnh của các chỉ số được kiểm soát, bảng điện tử vẫn “thấm đẫm” sắc đỏ với 679 mã giảm (gồm 36 mã giảm sàn), 736 mã giữ tham chiếu và chỉ 197 mã tăng (gồm 22 mã tăng trần).
Trong khi đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 ghi nhận 10 mã tăng, 2 mã đứng giá và 18 mã điều chỉnh. Chỉ số đại diện rổ chỉ giảm nhẹ gần 4 điểm.
VN-Index đóng cửa với nến "rút chân" gần 60 điểm. Ảnh: TradingView.
Lực kéo VN-Index xuống thấp hôm nay chủ yếu đến từ các cổ phiếu bất động sản với sự dẫn đầu của VIC. Trong 3 phiên trở lại đây, cổ phiếu đại diện Tập đoàn Vingroup liên tục bị chốt lời và dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực đến thị trường.
So với đỉnh 20 tháng thiết lập cách đây 1 tuần, thị giá VIC đã giảm hơn 21%. Vốn hóa của tập đoàn đa ngành này cũng vì thế thu hẹp còn 225.000 tỷ đồng.
Diễn biến này cũng ảnh hưởng đáng kể đến khối tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Sau 3 phiên giảm sâu, giá trị lượng cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ trực tiếp đã giảm gần 8.000 tỷ đồng, xuống 38.700 tỷ đồng.
Trái ngược với VIC, cổ phiếu VHM của Vinhomes là ghi nhận phiên tăng ấn tượng lên mốc 57.500 đồng/cổ phiếu. Với việc mở rộng vốn hóa lên 236.000 tỷ đồng, Vinhomes đã soán ngôi Vingroup để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, đồng thời là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 3 thị trường (sau BIDV và Vietcombank).
Trong khi đó, cổ phiếu cùng nhóm này là VRE của Vincom Retail tăng 1% lên 20.600 đồng/cổ phiếu.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng có diễn biến tích cực đi ngược với thị trường chung là NVL (+3,4%). Bất chấp áp lực bán tháo, NVL vẫn giữ vững sắc xanh và bật lên mốc 10.650 đồng/cổ phiếu.
Mặt khác, cổ phiếu của nhiều nhà phát triển bất động sản lớn khác tiếp tục giảm sâu, điển hình có KBC (-2%), TCH (-1,2%), DXG (-2,1%), HDC (-6,5%), CII (-2,9%), KDH (-3%), IDC (-3,9%) còn DIG và PDR cùng giảm sàn.
Nhóm bán lẻ được xem là nhân tố bảo vệ thị trường hôm nay khi các mã MWG (+3%), FRT (+5,8%), MSN (+1%), KDC (+2,1%) đều được kéo mạnh.
Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với quy mô 600 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại chảy chủ yếu vào HPG (+216 tỷ đồng), MWG (+183 tỷ đồng) và STB (+172 tỷ đồng).
Ngược lại, FPT bị bán ròng 125 tỷ đồng, KBC (-105 tỷ đồng), VNM (-61 tỷ đồng).
Minh Khánh