NĐT nên dự phòng kịch bản ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể cho biết nhận định của mình về thị trường thời điểm hiện tại?
Ông TRẦN HOÀNG SƠN: - Trong bối cảnh vừa trải qua bầu cử Mỹ và các loại tài sản biến động trái chiều, lớp tài sản phản ứng mạnh mẽ nhất với bầu cử Mỹ là USD tăng giá mạnh, thị trường tiền số tăng mạnh, Bitcoin vượt mốc 93.000 USD, TTCK Mỹ đang tăng mạnh.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TTCK Việt Nam và vàng có xu hướng giảm giá. TTCK Việt Nam gặp khó khăn xuất phát từ các yếu tố như: tỷ giá tăng khiến NĐT nước ngoài bán ròng; sự dịch chuyển dòng vốn khỏi khu vực châu Á và Đông Nam Á để trở lại thị trường tăng trưởng tốt như Mỹ hay tài sản khác như Bitcoin.
Nhìn về bức tranh thị trường, hầu hết cổ phiếu đang trong xu hướng giảm, lực bán chủ động đã quyết định xu hướng VN Index. Về cơ bản, thị trường điều chỉnh giá cổ phiếu rẻ hơn tương đối, thì chắc chắn hấp dẫn được dòng vốn mới tham gia thị trường.
- Việc ông Trump chiến thắng lần này có điểm gì giống và khác về chính sách so với lần đắc cử đầu tiên?
- Theo tôi có rất nhiều điểm khác biệt. Trong kỳ đắc cử đầu tiên 2016-2020, ông Trump không có bất kỳ tuyên bố chính sách mạnh tay nào trong năm đầu tiên, mà chỉ tập trung trong nước. Sau đó đến 2018-2019, ông Trump mới đưa ra chính sách thuế mạnh tay.
Còn trong nhiệm kỳ này, ông Trump có thể phải dự phòng kịch bản quyết liệt về chính sách thuế hơn. Đây là lý do khiến nhiều người lo ngại các mặt hàng Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế lên đến 60%, hàng hóa các quốc gia khác cũng bị đánh thuế khoảng 20%.
Trong chu kỳ đánh thuế 1.0 (tức nhiệm kỳ đầu), ông Trump gần như tập trung chính sách thuế với Trung Quốc là chủ yếu, một phần nhỏ liên quan đến châu Âu. Khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ ngày càng gia tăng. Đến tháng gần nhất thặng dư của Việt Nam với Mỹ đã lên 11 tỷ USD và theo năm là khoảng hơn 100 tỷ USD, nằm trong Top 6 nước xuất khẩu vào Mỹ.
Như vậy, trong giai đoạn Trump 1.0, Việt Nam và một số quốc gia khác như Mexico gần như không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn hưởng lợi. Đó là lý do cho lo ngại ở trong giai đoạn Trump 2.0 (nhiệm kỳ lần 2).
Với chiến thắng giòn giã vừa qua, ông Trump có thể hướng chính sách thuế đến các đối thủ đang chiếm ưu thế về mặt thâm hụt ngân sách của Mỹ nhiều nhất, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam, Mexico, Đài Bắc (Trung Hoa) đang chiếm thâm hụt lớn thứ 2 so với nhiều quốc gia khác. Vì vậy, chúng ta cũng cần kịch bản chuẩn bị ứng phó với kịch bản thuế của ông Trump thời gian tới.
- Vậy theo ông nước Mỹ sẽ có những kịch bản nào dưới thời Trump 2.0?
- Có 2 kịch bản ông Trump dự kiến với Trung Quốc từ 2025-2030. Trong trường hợp các mức thuế duy trì như hiện tại, thương mại xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể giảm xuống dưới 10%. Trong trường hợp tăng thuế lên 60%, thì xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ xuống gần 1%.
Nếu xảy ra kịch bản Mỹ tiếp tục tập trung vào Trung Quốc, thì các quốc gia khác sẽ bị giảm xuất khẩu từ 20-30% vào Mỹ. Trong kịch bản Mỹ vừa đánh thuế Trung Quốc 60% và 20% các quốc gia khác, thì hầu như tất cả đều bị thiệt hại, mức bình quân lên đến 40-45% cho đến 2028.
Theo quan điểm của tôi, ông Trump có thể gây áp lực nhiều với Trung Quốc và nhẹ hơn các quốc gia khác. Bởi nếu ông Trump gây áp lực với Trung Quốc mà không có nguồn hàng thay thế, sẽ dẫn đến giá hàng hóa tại Mỹ đắt hơn, làm người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại, lạm phát lên cao hơn.
Vì vậy, đối với riêng Việt Nam, chúng ta cần đối ứng nhập khẩu thêm mặt hàng cần thiết từ Mỹ, nhưng cũng tăng cường xuất khẩu để đảm bảo lợi ích trở nên hài hòa và khó khăn chia sẻ.
Với vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á, Mỹ không đánh thuế hoặc đánh thuế vừa phải so với các quốc gia khác trong khu vực, thì Mỹ sẽ kéo Việt Nam gần hơn và qua đó hút thêm dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc đến quốc gia lân cận như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
- Vậy chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam, thưa ông?
- Nhìn lại năm 2018, thời điểm ông Trump bắt đầu tuyên bố chương trình đánh thuế với hàng hóa của Trung Quốc, thì TTCK Việt Nam cũng trải qua giai đoạn tương đối khó khăn.
Chính vì vậy, NĐT nên dự phòng kịch bản ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025, và ảnh hưởng về thuế quan có thể bắt đầu vào đầu năm 2025. Những thông tin này có thể được phản ứng sớm vào tháng 11 và 12. Theo tôi, trong quý IV này sẽ có 1 vùng trũng do ảnh hưởng từ thông tin diễn biến bán ròng của khối ngoại để NĐT quay trở lại mua cổ phiếu cho cơ hội ngắn hạn, đón nhận nhịp hồi.
- Ngoài vấn đề chính sách Trump 2.0, thì tỷ giá USD cũng là yếu tố được NĐT hết sức quan tâm. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Đồng USD đang tăng giá khiến tỷ giá hiện tại khá căng. Tôi cho rằng tỷ giá có thể bình ổn vào cuối năm. Bởi Fed đã hạ lãi suất và dự kiến giảm thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 12 và thêm 3 lần nữa trong 2025. Khi đó, USD có xu hướng giảm trong 2025 và tỷ giá có thể được bình ổn hơn. Song cũng phải xem ngoài USD thì tỷ giá Việt Nam còn chịu áp lực từ yếu tố nào.
Đến năm 2024, tỷ giá bị ảnh hưởng bởi áp lực rút ròng của NĐT nước ngoài (bị rút ròng 3 tỷ USD), USD neo ở mức cao và gần đây nhất là nhu cầu USD cho việc thanh toán trái phiếu quốc tế (phát hành từ năm 2014). Do vậy, khi Việt Nam thanh toán xong nợ quốc tế, lãi suất giảm khiến đồng USD giảm, sẽ giúp tỷ giá Việt Nam quay về mức ổn định hơn.
Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị kịch bản về dài hạn, nếu câu chuyện thuế quan tiếp tục được đẩy lên thì tỷ giá sẽ mất dần đều hàng năm.
- Xin cảm ơn ông.
Thanh khoản đi xuống do yếu tố tiền rẻ không còn nữa. Theo thống kê, những giai đoạn thế giới bơm tiền, giảm lãi suất về nền thấp, đặc biệt là 2007-2008 và gần nhất 2020-2021, thì dòng tiền có xu hướng chảy vào TTCK rất nhiều. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 đến giữa 2023, Fed tăng lãi suất thì các kênh đầu tư đều gặp khó khăn.
HẢI HỒ (thực hiện)