Chứng khoán toàn cầu lao dốc phiên thứ hai liên tiếp

Chứng khoán toàn cầu lao dốc phiên thứ hai liên tiếp
17 giờ trướcBài gốc
Hợp đồng tương lai S&P500 và Hợp đồng tương lai Nasdaq đều giảm mạnh
Cổ phiếu ngân hàng Mỹ cũng sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng và định giá vào nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa của các NHTW. Tâm lý lo lắng cũng đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10, sau khi ông Trump áp thuế 10% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng chục quốc gia.
“Nếu danh sách thuế quan hiện tại được duy trì, thì suy thoái trong quý 2 hoặc quý 3 là rất có thể, cũng như thị trường giá xuống (bear market)”, David Bahnsen - Giám đốc đầu tư tại The Bahnsen Group cho biết. “Câu hỏi đặt ra là, liệu Tổng thống Trump có tìm kiếm một số đường thoát cho các chính sách này hay không nếu và khi chúng ta thấy thị trường giá xuống trên thị trường chứng khoán”.
Chỉ số STOXX 600 của Châu Âu giảm 1,1% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Sáu sau khi giảm 2,6% trong phiên giao dịch trước đó. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,8% qua đêm trong phiên giao dịch thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng tương lai cho S&P 500 của Mỹ giảm 0,4% vào thứ Sáu, mức giảm được kiểm soát hơn khi mở cửa so với thứ Năm; trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq giảm 0,3% sau khi chỉ số này giảm 5,4% vào thứ Năm; Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng giảm 5% sau thông báo áp thuế của Trump.
Sau nhiều năm dòng vốn lớn đổ vào thị trường Mỹ và nền kinh tế lớn nhất thế giới khởi sắc, các nhà đầu tư đột nhiên lo lắng về sự đảo ngược tăng trưởng. J.P. Morgan cho biết, nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ và toàn cầu trong năm nay đã tăng lên 60% từ mức 40% trước đó sau thông báo áp thuế của ông Trump.
Các nhà giao dịch vào thứ Sáu đã định giá hơn 100 điểm cơ bản cho việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay, tăng từ mức khoảng 75 điểm cơ bản vào thứ Tư và cũng tăng cược vào việc NHTW Anh (BOE) và NHTW châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất.
Các nhà đầu tư cược vào việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn của các NHTW lớn
Lãi suất thấp hơn - làm giảm biên lợi nhuận của các ngân hàng - và lo ngại về tăng trưởng đã làm suy yếu cổ phiếu ngân hàng, với chỉ số STOXX 600 banking index giảm 4,2% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Sáu.
Trong đó giá cổ phiếu của HSBC giảm 3,2%; UBS giảm 2,5% và BNP Paribas giảm 3,4%; Citigroup giảm hơn 12%; Bank of America giảm 11% và một loạt các công ty cho vay lớn khác cũng chịu mức giảm tương tự. Điều đó diễn ra sau đợt bán tháo khiến giá cổ phiếu của các ngân hàng Nhật Bản giảm 8% trong phiên giao dịch qua đêm và đợt bán tháo mạnh cổ phiếu của các công ty cho vay Phố Wall vào thứ Năm.
Tuy nhiên một số nhà đầu tư vẫn lo lắng về khả năng hành động của các NHTW nếu thuế quan làm tăng lạm phát. “Các ngân hàng trung ương không được trang bị tốt để đối phó với tình trạng đình lạm”, David Doyle - Giám đốc kinh tế tại Macquarie Group cho biết. “Lạm phát cơ bản mạnh hơn có thể hạn chế phạm vi của bất kỳ phản ứng chính sách nào”.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế và thị trường Mỹ là mức giảm 1,9% của chỉ số đôla vào thứ Năm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2022. Tuy nhiên, đồng đôla đã phục hồi trở lại vào thứ Sáu, trong khi đồng euro giảm 0,5% sau khi tăng 1,9% vào thứ Năm; đồng bảng Anh giảm 0,7%.
Yên Nhật Bản, một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống, vẫn bảo toàn được giá trị sau khi tăng khoảng 2% vào ngày thứ Năm. Franc Thụy Sĩ, một tài sản trú ẩn an toàn khác, cũng tăng khoảng 0,6%.
“Điều có thể giúp thị trường một chút là chúng tôi có dữ liệu cho thấy rằng, kinh tế Mỹ sẽ đạt được mức tăng trưởng 1% trở lên trong quý trước", Michael Metcalfe - Giám đốc chiến lược vĩ mô tại State Street Global Markets cho biết.
Theo Metcalfe, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố lúc 12:30 GMT hôm thứ Sáu (8:30 sáng theo giờ miền Đông), là một dữ liệu quan trọng và số liệu bán lẻ trong hai tuần là một dữ liệu quan trọng khác. Theo đó, báo cáo việc làm dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng thêm 135.000 việc làm vào tháng 3, giảm so với mức 151.000 vào tháng 2.
Khi các nhà đầu tư tiếp tục săn lùng tài sản an toàn, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 11 điểm cơ bản xuống còn 3,951%, sau khi giảm 14 điểm cơ bản vào Thứ Năm (lợi suất biến động ngược với giá).
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản cũng đang hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ năm 1990 và lần giao dịch gần nhất là 1,175%.
PV
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-toan-cau-lao-doc-phien-thu-hai-lien-tiep-162294.html