Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau tin áp thuế đối ứng của Mỹ

Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau tin áp thuế đối ứng của Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Nhận viên phòng giao dịch ngoại hối tại trụ sở của ngân hàng KEB Hana Bank ở Seoul, Hàn Quốc hôm 3-4. Ảnh: AP
Hôm 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với 180 nước và vùng lãnh thổ có hoạt động thương mại với Mỹ, có hiệu lực ngày 9-4.
Quy mô và phạm vi thuế đối ứng của Mỹ gây sốc cho các thị trường trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, nơi nhiều nền kinh tế xuất khẩu có thặng dư thương mại với Mỹ ở mức cao.
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay.
Tính đến trưa 3-4, theo giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,54%, còn chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm gần 2%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có lúc giảm đến 4,6%, xuống mức thấp nhất trong 8 tháng. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc thoái lùi 0,84%. Tại Thái Lan, chỉ số SET giảm 1%.
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán lớn ở Đức, Anh, Pháp đều giảm điểm. Chỉ số Stoxx Europe 600, theo dõi cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở châu Âu, giảm 1,56%.
Chỉ số tiền tệ thị trường mới MSCI chạm mức thấp nhất trong gần 4 tuần, trong khi chỉ số cổ phiếu thị trường mới nổi châu Á của MSCI giảm tới 1,2%, xuống mức thấp nhất trong một tháng.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 7 tuần so với đô la Mỹ , còn đồng won của Hàn Quốc giảm 0,4%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 0,3% và đồng ringgit của Malaysia giảm tới 0,6%, xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.
Chốt phiên giao dịch hôm qua (2-4), chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm do thời điểm ông Trump công bố thuế đối ứng diễn vào sau khi thị trường đã đóng cửa. Tuy nhiên, chứng khoán tương lai của Mỹ đang chìm trong sắc đỏ với các hợp đồng tương lai Dow Jones futures giảm hơn 900 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng giao ngay chạm mức cao kỷ lục mới, 3.164,9 đô la Mỹ/ounce. Trên thị trường tiền số, đồng bitcoin biến động mạnh, có lúc tăng lên 88.500 đô la nhưng ngay sau đó mạnh xuống mức 82.150 đô la.
Thuế đối ứng được tính toán dựa trên thuế của mỗi đối tác áp vào hàng hóa của Mỹ cũng như các rào cản thương mại khác.
Những đối tác chịu mức thuế đối ứng cao chủ yếu là các nền kinh tế châu Á gồm Trung Quốc (34%), Đài Loan (32%), Ấn Độ (26%), Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%), Thái Lan (36%), Indonesia (32%) Việt Nam (46%), Myanmar (44%), Campuchia (49%), Malaysia (24%). Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) chịu mức thuế đối ứng khá cao, 20%.
Một số sản phẩm đã bị áp thuế gần đây sẽ không bị áp thuế đối ứng như nhôm thép, ô tô và phụ tùng ô tô. Vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn, gỗ và một số loại năng lượng, khoáng sản không có tại Mỹ cũng không bị áp thuế đối ứng.
Mỹ không áp các mức thuế mới nhất đối với Canada và Mexico, hai nước đã bị áp thuế 25% đối với hàng hóa không tuân thủ Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Canada - Mexico.
Theo CNBC, Bloomberg, Yonhap, Kyodo News
Chánh Tài
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-toan-cau-lao-doc-sau-tin-ap-thue-doi-ung-cua-my/