Chứng khoán toàn cầu rực lửa trong phiên giao dịch ngày 3/2. Ảnh minh họa
Tại London, hầu như mọi cổ phiếu đều giảm, dẫn đầu là các công ty quản lý tài sản, trong đó Polar Capital giảm 4,5%, Intermediate Capital Group, công ty khai khoáng Antofagasta và Scottish Mortgage Investment Trust đều giảm hơn 3%. Cổ phiếu của ngân hàng Anh cũng chung tình cảnh tương tự. Giá trị cổ phiếu của Barclays, ngân hàng bị ảnh hưởng vì sự cố công nghệ thông tin khiến hàng nghìn khách hàng không truy cập được tài khoản trong hai ngày 31/1 và 1/2, đã mất 2,5%.
Lloyds Banking Group, với các ứng dụng ngân hàng Lloyds Bank và Halifax cũng bị gián đoạn vào sáng 3/2, giảm 1,8%, trong khi NatWest giảm 1,9% và HSBC giảm 1,4%.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 1,3% trong phiên giao dịch sáng tại London, với tất cả các ngành đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ô tô chịu tác động nặng nề nhất khi chỉ số Stoxx 600 ngành ô tô mất 3,54%. Cổ phiếu Volkswagen sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 6,3%, trong khi BMW mất 4% và Porsche giảm khoảng 4%. Tại Pháp, nhà sản xuất linh kiện ô tô Valeo giảm 7,5% và Renault sụt 1,8%.
"Thị trường hoàn toàn không chuẩn bị cho điều này", ông Steven Englander, Giám đốc Nghiên cứu FX-G10 toàn cầu tại Standard Chartered Plc nhận định với Bloomberg TV. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Trump tuyên bố với BBC rằng Anh và EU đang "vượt quá giới hạn", đặc biệt là EU và khẳng định việc áp thuế lên EU "chắc chắn sẽ xảy ra".
Chỉ số DAX của Đức giảm 1,7% trong phiên sáng, trong khi các chỉ số ngành công nghệ, công nghiệp và khai khoáng của châu Âu đều mất hơn 2%. Trên thị trường ngoại hối, đồng Euro suy yếu 0.9% xuống 1.0273 USD khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế khu vực.
Tại Mỹ, các hợp đồng tương lai cũng đồng loạt lao dốc với S&P 500 giảm 1,7%, Dow Jones mất 646 điểm và Nasdaq 100 sụt 1,9%. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall - tăng vọt trên ngưỡng 21 điểm.
Làn sóng bán tháo lan rộng sang châu Á khi các thị trường mở cửa phiên đầu tuần. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có phiên giảm mạnh nhất khi đóng cửa giảm 2.66% xuống 38,520.90 điểm. Chỉ số Topix cũng để mất 2,45% xuống 2,720.39 điểm. Thị trường Hàn Quốc chứng kiến chỉ số Kospi sụt 2,52% và Kosdaq giảm sâu 3,36%.
Goldman Sachs đưa ra cảnh báo về rủi ro chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 5% do tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp, trong khi RBC Capital Markets dự báo mức giảm có thể dao động từ 5% đến 10%. "Chúng tôi nghi ngờ liệu có công ty nào có thể tránh được tác động của thuế quan", bà Kathleen Brooks, Giám đốc Nghiên cứu tại XTB Ltd chia sẻ./.
Thu Dung (tổng hợp)