Bên ngoại tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Mối đe dọa thuế quan đang đè nặng tâm lý đầu tư
Chỉ số CSI 300, chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A được giao dịch tại Trung Quốc, đã mất hơn 5% trong bảy phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025 và đây là hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2016, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Mặc dù khởi đầu khó khăn không phải lúc nào cũng dẫn đến một năm tồi tệ, nhưng chỉ số CSI 300 đã mất hơn 11% vào năm 2016.
Năm nay, mối đe dọa về việc Mỹ tăng thuế quan sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai đang là nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư vì họ lo ngại rằng sự leo thang căng thẳng thương mại có thể làm phức tạp thêm quá trình phục hồi kinh tế vốn đã chậm chạp của Trung Quốc.
Chỉ số MSCI China tuần trước đã kéo dài đà trượt dốc từ mức cao nhất vào tháng 10/2024 lên 20%, bước vào thị trường giá xuống. Cột mốc ảm đạm này diễn ra sau khi Mỹ đưa Tencent Holdings và Contemporary Amperex Technology vào danh sách đen vì cáo buộc có liên quan tới quân đội Trung Quốc, và khi chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đang cân nhắc một lượt các biện pháp hạn chế khác đối với hoạt động xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo.
"Áp lực bên ngoài này còn trầm trọng hơn do những khó khăn kinh tế trong nước của Trung Quốc, bao gồm niềm tin của người tiêu dùng yếu, lĩnh vực bất động sản bị tàn phá và các vấn đề nợ nần đang rình rập", Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư chính tại Saxo Markets cho biết. Chiến lược gia này cảnh báo: "Những thách thức này tạo ra một môi trường bất ổn, khiến các nhà đầu tư phải có lập trường thận trọng hơn".
Tâm lý đi xuống của nhà đầu tư thể hiện rõ qua kết quả khảo sát không chính thức đối với các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia Trung Quốc do Bloomberg thực hiện kể từ cuối tháng 12/2024. Mười trong số 15 người được hỏi cho biết họ thấy các cơ hội đầu tư tốt nhất trong quý I/2025 nằm ở các tài sản như trái phiếu chính phủ Trung Quốc và đồng đô la Mỹ, thay vì cổ phiếu trong nước.
Trông chờ các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn
Đợt sụt giảm gần đây nhất của cổ phiếu Trung Quốc là sự mở rộng của đợt bán tháo diễn ra sau một đợt tăng giá ngắn nhưng mạnh do chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra vào cuối tháng 9/2024.
Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ khác, nhưng bản chất rời rạc của chúng cũng như việc thiếu các biện pháp kích thích tài khóa cụ thể và mạnh mẽ đã khiến tâm lý của nhà đầu tư sa sút.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát. Lạm phát tiêu dùng của nước này tiếp tục suy yếu về mức 0, đánh dấu giảm tốc trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 12/2024 bất luận chính phủ nước này đã nỗ lực phục hồi nhu cầu.
Theo dữ liệu mới nhất từ Morgan Stanley, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc trong nước, với các quỹ thụ động rút vốn 1,1 tỷ USD và các quỹ chủ động chứng kiến 2,4 tỷ USD chảy ra trong tháng 12/2024.
Phần lớn những người được Bloomberg khảo sát cho biết họ kỳ vọng các quỹ nhà nước, thay vì các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc toàn cầu, sẽ là dòng chảy tiền mặt chủ chốt mới đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đang suy giảm, số lượng quyền chọn mua và bán cũng xuống thấp.
"Các nhà đầu tư đang chờ đợi một chút rõ ràng hơn từ phía chính sách để tiếp tục tham gia", Jason Lui, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu và phái sinh châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho biết.
Các đơn vị tham gia cuộc thăm dò không chính thức của Bloomberg cho biết triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ không bắt đầu cải thiện cho đến quý II/2025, đồng thời nói thêm rằng các chính sách kích thích yếu hơn kỳ vọng là rủi ro hàng đầu đối với cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay.
Một số chiến lược gia, trong đó có đại diện từ HSBC Holdings tỏ ra lạc quan hơn. HSBC đang chuyển sang lạc quan về cổ phiếu Trung Quốc, đặc biệt là những cổ phiếu được niêm yết tại Hong Kong, coi chúng là những mã hưởng lợi từ "lời lẽ chính sách thuận lợi hơn" ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi cổ phiếu đang chịu ảnh hưởng, sự chần chừ của các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng đã kích thích một đợt tăng giá trái phiếu chính phủ Trung Quốc, khiến lợi suất trái phiếu chuẩn giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tuần gần đây. Đồng nhân dân tệ cũng chịu áp lực mất giá nặng nề.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào kỳ họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3 tới, thời điểm các nhà chức trách dự kiến sẽ công bố các mục tiêu kinh tế quan trọng và các chính sách chi tiết.
Trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hé lộ những nỗ lực tiếp theo để thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng thanh khoản, thì mối bận tâm của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào việc liệu Bắc Kinh có đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn hay không.
"Các chính sách được đưa ra cho đến nay thiếu sự đổi mới và không thể đảo ngược phán đoán của các nhà đầu tư về tình hình", Shen Meng, giám đốc tại ngân hàng đầu tư Chanson & Co. có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. Vị này lưu ý thêm: "Điều quan trọng là liệu các biện pháp này có thể giải quyết được các vấn đề về cấu trúc mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt hay không".
Đông Phong