Ảnh minh họa
Căn bán, hạ bớt tỷ trọng ở những cổ phiếu đang vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro
Theo Công ty Chứng khoán BETA, thị trường đang có dấu hiệu phục hồi nhờ dòng tiền cải thiện mạnh tại vùng hỗ trợ quan trọng. Khối ngoại cũng gia tăng giải ngân, cho thấy sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường. Điều này giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước, khi sự thận trọng đang dần được gỡ bỏ và nhiều người sẵn sàng tham gia trở lại vào giao dịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tránh việc giải ngân toàn bộ vốn vào một thời điểm mà nên thực hiện từng phần, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững mạnh và tiềm năng tăng trưởng bền vững. Bằng cách này, nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa sự lựa chọn khi còn lượng tiền mặt dự trữ nếu thị trường có sự điều chỉnh.
Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, nếu không có sự cải thiện về thanh khoản thì nhịp hồi kỹ thuật có khả năng kéo VN-Index tới ngưỡng cản 1.270 – 1.275 điểm sẽ gặp phải áp lực bán trở lại. Vậy nên CSI duy trì quan điểm thận trọng, thậm chí căn bán, hạ bớt tỷ trọng ở những cổ phiếu đang vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro khi VN-Index được kéo lên mức cản trên. Trong chiều hướng mua mới, cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận rõ ràng từ thị trường, đặc biệt là từ thanh khoản.
Chuyên gia AseanSC cho biết, thị trường có thể chứng kiến những nhịp hồi ngắn hạn trong các phiên tới, tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng, tránh tâm lý mua đuổi hoặc bán tháo đối với các giao dịch ngắn hạn. AseanSC vẫn đánh giá tốt triển vọng thị trường trung và dài hạn, do đó nhà đầu tư nên theo sát diễn biến tỷ giá, giá dầu và các thị trường thế giới để chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng hồi phục rõ ràng hơn, đồng thời tập trung nắm giữ các cổ phiếu dài hạn và chuẩn bị sẵn lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu này về định giá hấp dẫn.
Trong ngắn hạn, SHS cho rằng, vùng giá hợp lý của VN-Index là vùng giá 1.250 điểm - 1.260 điểm và thị trường đang cân bằng ở vùng giá này. Diễn biến hiện tại cho thấy dòng tiền ngắn hạn xoay vòng cải thiện trở lại, đang mở ra các vị thế mua lướt, tích lũy cổ phiếu tốt hơn. Nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý. Tỉ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong cuối năm. Với mức dừng lỗ ngắn hạn tương ứng VN-Index vùng giá 1.250 điểm.
Dòng tiền “bắt đáy” gia tăng, VN-Index đóng cửa xanh ngát
VN-Index đóng cửa gần cao nhất phiên và duy trì thành công gap tăng điểm, cho thấy lực cầu đã có sự ổn định hơn và khối lượng khớp bán chủ động đã có phần suy yếu. Mặc dù VN-Index vẫn có xác suất hồi phục kỹ thuật sau chuỗi giảm dốc, lượng cung giá cao tại các vùng kháng cự trên có rủi ro tạo áp lực điều chỉnh lại cho chỉ số.
Sau phiên giao dịch phục hồi tốt ở hỗ trợ mạnh 1.250 điểm. VN-Index tiếp tục phục tốt trong phiên 29/10 với độ rộng duy trì tích cực khi có 196 cổ phiếu tăng giá, 112 mã giảm giá và 57 cổ phiếu giữ giá tham chiếu. Thị trường vẫn phân hóa khá mạnh với lực cầu giá lên gia tăng khá tốt ở nhiều nhóm mã như phân bón - hóa chất, hàng không, logistic, Công nghệ- viễn thông..., trong khi các cổ phiếu bất động sản lại chịu áp lực điều chỉnh. Kết phiên VN-Index tăng 7,01 điểm (+0,56%)lên mức 1.261,78 điểm.
Thanh khoản thị trường có bước ngoặt đáng chú ý trong phiên 29/10 khi khối lượng giao dịch đạt 838 triệu CP tăng (+86.05%) so với phiên hôm qua (28/10), trị giá 18,797 tỷ đồng (+73.23%). Tuy nhiên mức tăng mạnh về thanh khoản 29/10 có sự góp mặt đột biến từ giao dịch thỏa thuận khi khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 384.2 triệu CP (chiếm 45.8%) trị giá 7,173 tỷ đồng, trong đó VIB là CP giao dịch chiếm phần lớn với giá trị thỏa thuận đạt 5,402 tỷ đồng.
Độ mở thị trường đã có sự khởi sắc rõ nét hơn so với phiên tăng điểm hôm 28/10 với 19/21 nhóm ngành tăng điểm. nhiều nhóm ngành tăng mạnh trên 2% như: Công nghệ viễn thông (+3.52%), Thủy sản (+2.45%), Hàng không (+2.40%), Phân bón (+2.20%) ... Ở chiều ngược lại, áp lực bán vẫn phủ bóng lên 2 nhóm ngành vốn hóa lớn như: BĐS dân cư (-0.08%), Thực phẩm tiêu dùng (-0.86%).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp với giá trị bán ròng bùng nổ trong phiên 29/10 đạt 5,241.5 tỷ đồng (218.62tr USD). Một số cổ phiếu bán ròng đáng chú ý khác trong phiên 29/10: VHM (-95.1 tỷ đồng~3.76tr USD), BID (-59 tỷ đồng~2.33tr USD), MSN (-44.8 tỷ đồng~1.77tr USD),... Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận bán ròng cổ phiếu VIB thì khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ trong phiên 29/10 với giá trị mua ròng chủ yếu ở các mã: VPB (+276 tỷ đồng~10.9tr USD), GMD (+171.2 tỷ đồng~6.76tr USD), EIB (+63.7 tỷ đồng~2.52tr USD), MWG (+60.5 tỷ đồng~2.39tr USD)…
Cẩm Vân