Chứng khoán tuần 3/2 – 7/2/2025: VN-Index "lấy may" đầu năm, giao dịch tích cực. Ảnh minh họa
VN-Index giao dịch tại vùng 1.260 điểm
VN-Index bước vào năm Ất Tỵ với chỉ số giao dịch tại ngưỡng 1.259 điểm sau khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng năm Giáp Thìn 2024 vào ngày 24/1 vừa qua.
Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM chỉ số lần lượt dừng tại 222 điểm và 94,11 điểm.
Sắc đỏ tạm thời chiếm ưu thế ở các cổ phiếu trụ trong nhóm VN30, điển hình với nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông – công nghệ.
Ngược lại, ngành công nghiệp đang dẫn đầu nhóm tăng trưởng tốt trên thị trường khi hầu hết các mã xanh điểm, với mức đóng góp 0,36% cho chỉ số chính. Theo sau đó là nhóm tiêu dùng thiết yếu và không thiết yếu cũng đang được nhuộm sắc xanh. Đáng chú ý, có MSN (Masan, HOSE) tăng 2,29%,
Khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 112 tỷ đồng, tâm điểm thuộc về FPT (FPT, HOSE) hay FRT (FPT Retail, HOSE), ngược lại, ở chiều mua, nhóm nhà đầu tư (NĐT) này đã gom mạnh HDB (HDBank, HOSE) và MSN (Masan, HOSE).
Đầu năm Ất Tỵ, Việt Nam có 6 tỷ phú USD
Mới đây, theo cập nhật từ Tạp chí Forbes thông tin tài sản các doanh nhân Việt vào đầu năm Ất Tỵ, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN, HOSE) đã trở lại danh sách tỷ phú USD sau khi bị mất vị trí này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Như vậy, hiện tại, Việt Nam có 6 tỷ phú USD lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, gồm:
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) với tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, thứ hạng giảm từ 839 xuống 842 thế giới so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hãng hàng không VietJet (VJC, HOSE) với tài sản ở mức 2,8 tỷ USD.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải và gia đình ghi nhận tài sản đứng yên ở mức 1,3 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank (TCB, HOSE) ghi nhận tài sản 1,8 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG, HOSE) với tài sản lên mức 2,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan với khối tài sản tròn 1 tỷ USD.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trong danh sách của Forbes, cũng như theo tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Vượng giữ vị trí số 1 từ năm 2010 tới nay.
Vị trí trong bảng xếp hạng của nhiều tỷ phú Việt Nam trên Forbes có xu hướng suy giảm do thế giới ghi nhận số phiên cổ phiếu tăng điểm nhiều hơn so với giảm trong khoảng thời gian Việt Nam nghỉ Tết. Song, mức thay đổi không nhiều, các tỷ phú Việt Nam vẫn nằm ở phía dưới của bảng xếp hạng.
Năm 2025, nhiều kỳ vọng cho rằng, các tập đoàn lớn Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá khi kinh tế được dự báo sẽ dựa vào tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư công, bất động sản thay vì xuất khẩu và du lịch như năm trước. Nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, nhiều tập đoàn lớn sẽ hưởng lợi và có thể bứt phá.
Diễn biến trái chiều tình hình kinh doanh các chuỗi bán lẻ Thế giới Di động
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG, HOSE) vừa công bố tình hình hoạt động của các chuỗi bán lẻ trong năm 2024. Theo đó, Hiện tại, chỉ còn chuỗi nhà thuốc An Khang chưa đem lại lợi nhuận, trong khi Bách Hóa Xanh, Erablue (Indonesia) và AVAKids đều đã có lãi.
Nhà thuốc An Khang đang là chuỗi bán lẻ duy nhất của MWG chưa mang lãi về (Ảnh: Nhà thuốc An Khang)
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, CTCP Dược phẩm An Khang Pharma ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 1.008 tỷ đồng sau 5 năm thua lỗ liên tiếp. Năm qua, chuỗi này lỗ thêm 347 tỷ đồng, nhưng mức lỗ đã giảm đáng kể xuống còn 26 tỷ đồng trong quý IV nhờ hàng loạt biện pháp cải tổ.
Về doanh thu, An Khang đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023. Công ty đã đóng bớt các cửa hàng không hiệu quả và tập trung tăng doanh thu trên từng điểm bán bằng cách cải thiện danh mục sản phẩm, trưng bày và chất lượng tư vấn. Nhờ đó, trong quý IV, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đã tăng 15% so với hai quý liền trước.
Đạt mục tiêu cho quý 2/2025, MWG tiếp tục áp dụng tiêu chí "chậm mà chắc" nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh bền vững, từ đó, An Khang sẽ đạt điểm hòa vốn sau khi hoàn thiện danh mục thuốc, nâng cao chuyên môn dược và tối ưu vận hành.
4 ngành được khuyến nghị đầu tư năm 2025
Theo nhiều đánh giá, kỳ vọng, năm nay, các doanh nghiệp công nghệ sẽ có dư địa hấp dẫn để đầu tư nhờ vào việc ngành công nghệ đang phát triển mạnh với những lĩnh vực mới nổi như trung tâm dữ liệu, bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo) và 5G,... phục vụ kinh tế số, chuyển đổi số. Cụ thể, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 557 triệu USD năm 2022, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tăng trưởng kép) trên 10,8% cho đến năm 2029, lên mức 1,14 tỷ USD.
Ngành công nghệ nhận nhiều kỳ vọng tăng mạnh nhờ xu hướng phát triển AI mạnh mẽ (Ảnh minh họa: Internet)
Một số mã tham khảo:
FPT (CTCP FPT, HOSE) nhờ vào dự báo doanh thu viễn thông sẽ tăng 9,5% năm 2025 và 9,1% năm 2026 nhờ sự mở rộng của các trung tâm dữ liệu và sự phục hồi trong quảng cáo trực tuyến và việc hợp tác với NVIDIA (nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới) sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT trong giai đoạn 2025-2030.
CTR (Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel, HOSE) với hướng đẩy mạnh làn sóng thương mại 5G là động lực tăng trưởng chính cho CTR khi các trạm BTS được lắp nhiều hơn.
Đối với mảng TowerCo (đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông), CTR là một trong hai doanh nghiệp chính hoạt động trong ngành.
Kế tiếp là ngành ngân hàng khi đây vẫn là ngành chủ chốt của nền kinh tế với lợi nhuận của ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt nhất thị trường so với các ngành khác. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 15% so với cùng kỳ; năm 2025 dự kiến tăng trưởng tốt hơn, khoảng 17,7%.
Một số mã tham khảo:
CTG (VietinBank, HOSE) với kỳ vọng năm 2025, lợi nhuận sau thuế sẽ đẩy mạnh lên mức 26,2% so với cùng kỳ nhờ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 24,9% và 18,5% so với cùng kỳ.
HDB (HDBank, HOSE) kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2025 tăng tốc lên mức 29,7% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi được dự báo tăng 47,4% trong khi thu nhập lãi thuần giảm tốc nhẹ.
TCB (Techcombank, HOSE) dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng năm 2025 như năm 2024 nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng cao hơn trong khi thu nhập lãi thuần có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước. Chi phí trích lập dự phòng được dự báo sẽ giảm nhẹ nhờ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
MBB (MBBank, HOSE) với tín dụng tăng trưởng trong Top cao nhất ngành, MBB đã phục hồi tốt trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào thu nhập ngoài lãi.
Đối với ngành chứng khoán hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường, một số mã có thể tham khảo như: SSI (Chứng khoán SSI, HOSE); HCM (Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, HOSE), VCI (Chứng khoán Vietcap, HOSE);...
Cuối cùng là ngành bất động sản với nguồn cung bất động sản dân cư đã phục hồi dù vẫn còn khiêm tốn. Định giá của nhóm ngành bất động sản dân cư hiện ở mức tương đối thấp, khả năng nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư sẽ được định giá lại để phù hợp hơn. Triển vọng ngành đang có những tín hiệu tích cực.
Một số mã tham khảo: KDH (Tập đoàn Khang Điền, HOSE); PDR (Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, HOSE);...
Nhận định và khuyến nghị
Bà Nguyễn Phụng Yến, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào tâm lý tích cực và sự phục hồi của nền kinh tế. Bởi, các phiên giao dịch đầu năm thường ghi nhận sự quay trở lại của dòng tiền, với các nhà đầu tư thường mua "lấy may" đầu năm, kỳ vọng vào tuần đầu năm tích cực. Thị trường đã đón nhận lực hồi phục vào cuối năm âm lịch 2024, tạo đà tích cực cho đầu năm mới, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tận dụng sự lạc quan và gia tăng đầu tư vào các cổ phiếu tiềm năng trong các nhóm ngành chủ chốt.
Các nhóm ngành NĐT nên chú ý: Ngân hàng nhờ hưởng lợi từ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng, Đầu Tư công với các dự án hạ tầng trọng điểm được Chính phủ đẩy mạnh, Công Nghệ với mảng AI sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các NĐT vẫn cần lưu ý một số yếu tố vĩ mô và địa chính trị có thể ảnh hưởng đến thị trường. Cụ thể như các chính sách thuế quan của Mỹ dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam.
Dù vậy, với sự ổn định chính trị và chính sách ngoại giao linh hoạt, Việt Nam có thể hạn chế được các rủi ro này. Bên cạnh đó, các gói đầu tư công và chính sách nới lỏng tài khóa cần được triển khai hiệu quả, tránh tình trạng nợ công gia tăng.
Các NĐT cần theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô và quốc tế để đưa ra quyết định đầu tư chính xác và hợp lý trong bối cảnh này.
Chứng khoán Vietcap đánh giá chỉ số VN-Index ghi nhận 2 tuần tăng điểm liên tiếp về giá lẫn thanh khoản giúp củng cố mức tín hiệu tích cực trung hạn. Trong các phiên tiếp theo, chỉ số sẽ tiến tới vùng 1.280 điểm và thậm chí là vùng 1.300 điểm. Song, đi kèm hoạt động tăng giá là áp lực chốt lãi vẫn có khả năng xuất hiện, khiến chỉ số điều chỉnh hoặc rung lắc ngắn hạn.
Chứng khoán Asean cho rằng, thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Động lực phục hồi chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, được hỗ trợ bởi xu hướng tích cực từ thị trường quốc tế.
Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà phục hồi và có thể xuất hiện những phiên bùng nổ trong thời gian tới, tuy nhiên trạng thái rung lắc vẫn là yếu tố chủ đạo. NĐT nên cân nhắc giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn
Lịch trả cổ tức tuần này
Tuần giao dịch đầu năm Ất Tỵ, có với 10 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền, cụ thể 8 doanh nghiệp trả bằng tiền, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả bằng phát hành thêm.
1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/2, ngày đăng ký cuối cùng là 5/2, tỷ lệ 10000:693 (tức là người sở hữu 10.000 cp được nhận 693 cp mới).
1 doanh nghiệp phát hành thêm:
CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung (VMT, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/2, ngày đăng ký cuối cùng là 10/2, thực hiện quyền mua phát hành thêm vào ngày 28/2, tỷ lệ 100:95, giá 10.000 đồng/cp (tức là 1 cp là 1 quyền, 100 quyền được mua 95 cp mới).
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Tuệ Anh