Bi quán chán nản tràn ngập thị trường
Kết thúc một tuần giao dịch, chỉ số VNIndex dừng chân tại 1230,48 điểm, giảm 24 điểm (tương đương 1,92%). Đây đã là tuần giảm thứ hai liên tiếp, chỉ số nằm dưới cả ba đường MA 20, 50 và 200 tuần. Dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng, sau khi đã rút gần 4 tỷ USD trong năm 2024. Hầu như các vị thế trading ngắn hạn đều lỗ, tâm lý bi quan chán nản đang tràn ngập thị trường.
Đại đa số các ngành, các nhóm cổ phiếu đều điều chỉnh. Nhóm cổ phiếu "vua" chứng kiến cú điều chỉnh mạnh của HDB, MSB khi giảm lần lượt 11,66% và 3,98%. Cùng với đó, VPB, BVB, ACB, TPB giảm trên 1%. Níu kéo sắc xanh chỉ còn lại BID, CTG, VIB và SSB.
Nhóm chứng khoán cũng giảm khá mạnh với SSI -6,51%, VND -7,29% , HCM -4,73%, VCI -3,96%...
Không nằm ngoài điều chỉnh chung của thị trường, nhóm thép tiếp tục giao dịch tiêu cực khi HPG -3,95%, HSG - 5,77%, NKG -5,23 %, SMC -10,97%, VGS -16,94%.
Thê thảm nhất có lẽ là nhóm bất động sản, khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này tiếp tục có một tuần giảm mạnh, có cổ phiếu còn thủng đáy “mọi thời đại”. Đó là NVL giảm thêm gần 6%, thị giá chỉ còn 9,920 đồng/ cổ phiếu. Cổ phiếu VRE giảm thêm 2%, thị giá chỉ còn 16,850 đồng/ cổ phiếu. Cặp đôi CEO, DIG cũng tiếp tục dò đáy mới khi lần lượt giảm 9,23 và 6,53% sau một tuần giao dịch.
Nhóm dầu khí có PVB giao dịch khởi sắc khi tăng hơn 9%, OIL, CNG cũng giữ được sắc xanh. Trong khi nhóm thượng nguồn như PVS, PVD… điều chỉnh.
Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty chứng khoán VietCap nhận định tuần qua thị trường giao dịch tiêu cực khi lần lượt mất các mốc hỗ trợ quan trọng và xác nhận gãy mô hình 2 đỉnh ngắn hạn. Kèm theo đó thị trường cũng đang dưới MA200 tuần; hỗ trợ gần nhất của thị trường quanh 1220 - 1218.
Tuần này các thông tin có thể ảnh hưởng đến thị trường gồm có: chỉ còn khoảng 1 tuần nữa Mỹ sẽ diễn ra cuộc trao quyền cho tổng thống mới đắc cử, trong bối cảnh sẽ có nhiều chính sách mới được thực thi thì giá cả hàng hóa Mỹ có khả năng sẽ thay đổi nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá cả hàng hóa nhập khẩu có thể gia tăng như thiết bị điện tử, may mặc...
Bên cạnh đó, Trung Quốc công bố giá tiêu dùng và sản xuất gần như là đi ngang. Cụ thể CPI tháng 12 tăng 0.1% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 2.3%. Điều này cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc khá yếu và chưa cải thiện so với kỳ vọng.
Trong nước, NHNN vừa có văn bản yêu cầu một số NHTM khẩn trương triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng với mục đích cho vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, NHNN không tính gói vay này vào hạn mức tín dụng của mỗi ngân hàng tạo động lực tăng trưởng tín dụng cho các NHTM và không ảnh hưởng đến room tín dụng.
Còn theo hiệp hội BĐS, năm 2024 toàn thị trường có hơn 47.000 giao dịch chung cư thành công nhưng một nửa lượng giao dịch từ sơ cấp (tức là hàng mở bán mới từ chủ đầu tư), có nghĩa tiền lại đến từ nhóm đầu tư và đầu cơ thay vì người mua ở thực. Và khi qua dịp tết âm lịch, một số dự án sẽ đến thời hạn nộp tiền cho nên một số nhà đầu tư do áp lực tài chính phải tìm cách bán bớt. Vì thế nên có tình trạng rao bán BĐS khá nhiều trong giai đoạn cuối năm.
Cơ hội mở ra?
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, tuần qua xu hướng thị trường đã yếu đi rõ hơn với áp lực bán chi phối. Mặc dù vẫn có sự phân hóa về sức mạnh ở các cổ phiếu nhưng không nhiều, nghĩa là phần trăm số mã đánh mất xu hướng trong ngắn hạn đang tăng lên. Trong tuần, vẫn có những lúc thị trường cố gắng vượt lên trên ngưỡng 1250 điểm nhưng đã thất bại.
“Tôi cho rằng khả năng VN-Index điều chỉnh về mức 1200 điểm là có thể, dù vậy, một số chỉ báo kỹ thuật đang tiếp cận khu vực “quá bán”, điều này đóng vai trò hỗ trợ và giúp xuất hiện các nhịp phục hồi ngắn. Giao dịch ở khung tuần chưa thật sự lớn để gây áp lực, nhà đầu tư nên tránh tâm lý hoản loạn. Kịch bản tích cực là lực cầu bắt đáy tham gia sớm hơn chứ không chờ đến 1200 và giúp thị trường cân bằng, có thể chú ý vùng 1200-1220”- bà Liên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta chia sẻ. Tuần qua nhà đầu tư đã trải qua nhiều phiên giao dịch rất áp lực và chịu những khoản thua lỗ. Với tình hình hiện tại của thị trường, ông Quang cho rằng khả năng rất cao VN-Index sẽ quay về vùng hỗ trợ quanh 1200 điểm, do đó nhà đầu tư cần tăng tỉ trọng tiền mặt thời điểm này, quản trị rủi ro và sẵn sàng cắt những khoản đầu tư thua lỗ và tái đầu tư vào những thời điểm tốt hơn để có thể thu được lợi nhuận đáng kể nhất cũng như là điểm hòa vốn thuận lợi hơn.
Còn theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS, Dữ liệu vĩ mô đang cho thấy triển vọng kinh tế 2025 khả quan, thị trường chứng khoán có những bước tiến mới và nhiều động lực tăng trưởng vượt qua khu vực điểm cao 1300 – 1400 điểm.
"Rất có thể khởi đầu năm yếu, chậm chạp lại có thể là chuẩn bị cho một xu hướng tăng điểm mạnh mới trong giai đoạn sắp tới bởi mọi nhà đầu tư đang chờ đón sự phục hồi và khi dòng tiền lớn tham gia sự quan tâm lớn tới chứng khoán sẽ lại gia tăng, thanh khoản sớm tăng cao trở lại" - ông Khánh nhận định.
Yên Chi