Đặc biệt, hai phiên giữa tuần đã đưa chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ quanh 1.340 điểm, với mức cao nhất đạt 1.331,93 điểm. Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được đến cuối tuần khi thị trường hụt hơi rõ rệt trong hai phiên cuối, đặc biệt là với hiện tượng thanh khoản bất ngờ sụt giảm mạnh - một dấu hiệu cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư đã trở lại.
Thanh khoản bình quân trên sàn HoSE đạt 22.919 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ 2% so với tuần trước. Dòng vốn ngoại đảo chiều bán ròng trở lại với tổng giá trị 561 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu lớn như VHM (bị bán ròng 1.176 tỷ đồng), FPT (678 tỷ đồng) và VRE (252 tỷ đồng). Điều này cho thấy áp lực chốt lời không chỉ xuất phát từ nhà đầu tư trong nước mà còn lan sang cả khối ngoại.
Xét về nhóm ngành, bất động sản dẫn đầu với mức tăng 12,56%, nhờ cú huých từ các mã trụ VIC tăng 12,4% và VHM tăng 10,8%. Đáng chú ý, chỉ riêng hai cổ phiếu này đã mang về tới 34,9 điểm cho chỉ số chung, trong khi tổng mức tăng cả tuần của VN-Index chỉ là 13 điểm - nghĩa là sức mạnh của cặp “đầu tàu” này đã bù đắp đáng kể cho sự giảm giá của nhiều mã khác. Ngoài ra, nhóm hàng không (tăng 5,68%) và nhựa (tăng 1,99%) cũng ghi nhận diễn biến tích cực nhờ những câu chuyện riêng. Ngược lại, các nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông, khu công nghiệp, chứng khoán và thủy sản chịu áp lực điều chỉnh sau chuỗi phục hồi mạnh mẽ từ trước.
Dù thị trường ghi nhận đà tăng tốt, giới phân tích vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận về việc liệu đây có phải là dấu hiệu phân phối (phân phối đỉnh) hay chỉ là bước điều chỉnh kỹ thuật. Một số ý kiến cho rằng các phiên giảm điểm đi kèm thanh khoản cao, trong khi các phiên tăng có thanh khoản thấp hơn, là tín hiệu cảnh báo sớm. Tuy vậy, mức chênh lệch giữa các phiên chưa đủ lớn để khẳng định rõ ràng xu hướng phân phối. Thanh khoản cao hiện tại phần lớn vẫn được cho là do dòng tiền chảy vào các cổ phiếu có xu hướng tăng mạnh.
Nhìn chung, các chuyên gia nghiêng về kịch bản thị trường dao động đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ trong ngắn hạn để hấp thụ lực cung chốt lời và chờ đợi thông tin mới. Dòng tiền dự kiến tiếp tục xoay vòng, tập trung tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện riêng, còn ở vùng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ ngắn hạn sẽ trở nên khó khăn hơn do thị trường không còn nhiều dư địa tăng dễ dàng.
Về mặt vĩ mô, nhà đầu tư đang đặc biệt chú ý đến kết quả các vòng đàm phán thương mại Việt - Mỹ. Vòng hai đã kết thúc với một số tiến bộ, xác định các nhóm vấn đề đồng thuận và những nội dung cần tiếp tục thảo luận. Vòng ba dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6, hứa hẹn mang đến những chất xúc tác mới cho thị trường. Bên cạnh đó, về trung và dài hạn, nhiều chuyên gia kỳ vọng các chính sách cải cách được thúc đẩy từ Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 sẽ mang lại động lực mạnh mẽ, giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trao đổi với PetroTimes, một chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng bức tranh tin tức nổi bật tuần qua ghi nhận nhiều yếu tố trong và ngoài nước ảnh hưởng tới thị trường. Trong nước, loạt chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân được công bố như cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế và hỗ trợ lãi suất vay. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp hiện đặc biệt quan tâm đến tiến độ thực thi chính sách tại cấp địa phương. Thống kê cho thấy tỷ trọng tài sản cố định của khu vực tư nhân đã tăng mạnh từ 20% lên 61% trong hơn 20 năm, biến khu vực này trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo, nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế như một lợi thế cạnh tranh.
Tại ngành hàng không, tổng lượng hành khách qua cảng hàng không trong 5 tháng đầu năm đạt 49 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và vận tải hàng không.
Ở chiều quốc tế, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế và chi tiêu dưới thời chính quyền Donald Trump, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ năm 2023, phản ánh lo ngại lạm phát và áp lực tài khóa. Nhật Bản cũng đối diện thách thức khi lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến giảm 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026, lần giảm đầu tiên sau 6 năm tăng liên tục, chủ yếu do thuế quan Mỹ và đồng yên mạnh, đặc biệt tác động đến ngành ô tô (-32%) và thép (-27%). Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent và WTI giảm do thông tin OPEC+ cân nhắc tăng sản lượng vào tháng 7, dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung ngắn hạn.
Dự báo cho tuần giao dịch sắp tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong vùng 1.290–1.340 điểm, hấp thụ áp lực bán chốt lời và chờ đợi tín hiệu mới từ đàm phán quốc tế. Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên chuyển sang trạng thái thận trọng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, đặc biệt hạn chế mua mới ở các mã đã tăng nóng. Ngược lại, những nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ cải cách chính sách, nhằm đón đầu làn sóng tăng trưởng tiếp theo của thị trường.
Có thể thấy dù thị trường hiện tại đang có dấu hiệu “nghỉ chân” sau giai đoạn tăng dài, triển vọng tổng thể vẫn được đánh giá tích cực nhờ kỳ vọng vào các tiến triển thương mại và cải cách vĩ mô. Dù vậy nhà đầu tư cần giữ giữ tâm thế tỉnh táo, kiên nhẫn chờ thời cơ thay vì nóng vội chạy theo những nhịp sóng ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro.
Minh Khang