Tuần giao dịch từ ngày 21 đến 25/04/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực khi VN-Index tăng 10,11 điểm (+0,83%) và kết thúc ở mức 1.229,23 điểm. Chỉ số trải qua ba phiên tăng điểm và hai phiên giảm điểm, phản ánh tâm lý thị trường đã phần nào ổn định sau những biến động mạnh của các tuần trước. Ngược lại, HNX-Index giảm nhẹ 1,38 điểm (-0,65%), đóng cửa ở mức 211,72 điểm với xu hướng phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường tuần qua có sự suy giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt khoảng 109.770 tỷ đồng, giảm 1,2% so với tuần trước đó, mặc dù phiên giao dịch ngày 22/4 ghi nhận sự bùng nổ thanh khoản với giá trị vượt 34.000 tỷ đồng. Trên sàn HNX, giá trị giao dịch đạt khoảng 5.872 tỷ đồng, giảm 12,11%, cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt nhờ sự khởi sắc của các mã lớn như VIC, VHM. Đây là yếu tố chính giúp VN-Index giữ được đà tăng trong tuần. Trong khi đó, nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh, khiến đà tăng của thị trường bị ghìm lại ở một số thời điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có sự phân hóa mạnh mẽ, với nhiều mã tăng giá tốt, nhưng cũng không ít mã chịu áp lực chốt lời.
Giao dịch của khối ngoại và khối tự doanh có sự đối lập đáng kể. Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng, đặc biệt mạnh vào phiên cuối tuần, tập trung xả các mã trụ cột. Ngược lại, tự doanh các công ty chứng khoán có động thái mua ròng mạnh trong phiên ngày 25/4, với trọng tâm là nhóm cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng, cho thấy niềm tin nhất định vào khả năng phục hồi ngắn hạn của thị trường.
Về góc độ kỹ thuật, VN-Index hình thành mẫu nến Hammer trên đồ thị tuần, báo hiệu tín hiệu hồi phục tiềm năng. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, CMF cũng cho thấy xu hướng cải thiện. Chỉ số hiện đã tiến gần vùng kháng cự ngắn hạn 1.230–1.240 điểm. Tuy nhiên, điểm hạn chế là thanh khoản trung bình vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất, phản ánh lực cầu chưa thực sự mạnh mẽ và thị trường vẫn cần thêm thời gian tích lũy.
Ở góc độ vĩ mô quốc tế, thị trường container toàn cầu được dự báo giảm 1% trong năm 2025 do tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Nếu 2/3 mức thuế này được áp dụng, lượng hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ có thể giảm tới 40%, và các quốc gia khác khó có thể bù đắp phần thiếu hụt này. Đây có thể là lần giảm sản lượng thứ ba của ngành container kể từ năm 1979. Tại châu Âu, kinh tế Đức đối mặt nguy cơ không tăng trưởng trong năm 2025 khi chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt 48 và PMI dịch vụ đạt 48,8, đều dưới ngưỡng 50 điểm – ngưỡng phân chia tăng trưởng và thu hẹp. Xuất khẩu của Đức trong năm 2025 dự kiến giảm 2,2%, gấp đôi mức giảm của năm trước do áp lực thuế quan ngày càng lớn.
Trong nước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm pin và tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với mức thuế trung bình gần 400%. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, thể hiện nỗ lực duy trì ổn định quan hệ thương mại song phương.
Một điểm nhấn khác trong tuần là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định 812, thành lập Hội đồng Tư vấn Chính sách phát triển kinh tế - xã hội gồm 10 ủy viên, nhằm tăng cường công tác hoạch định và tư vấn chiến lược. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cũng thu hút sự chú ý, trong đó quy định doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản. Giới chuyên gia đánh giá đây là bước đi nhằm nâng cao tính an toàn tài chính và tăng hiệu lực pháp lý cho thị trường vốn.
Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chuyên gia tư vấn thuộc CTCK VietCap cho rằng, tuần qua chỉ số chủ yếu tăng chậm, đi lên trong biên độ hẹp với đà hồi phục chủ yếu xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tư công và "họ Vingroup". Ngưỡng kháng cự đáng chú ý hiện tại nằm quanh 1.240–1.268 điểm, trong khi vùng hỗ trợ mạnh quanh khu vực 1.200–1.168 điểm. Trước thềm kỳ nghỉ lễ 30/04 và 01/05, thanh khoản thị trường chưa có sự bứt phá rõ rệt, cộng thêm tâm lý thận trọng chờ đợi thêm thông tin từ cuộc đàm phán thương mại, khiến dòng tiền vẫn duy trì trạng thái dè dặt.
Chiến lược giao dịch trong giai đoạn hiện tại được khuyến nghị tiếp tục giữ vững như trước: ưu tiên trading dựa trên lượng hàng sẵn có, hạn chế sử dụng margin, duy trì tỉ trọng danh mục ở mức hợp lý với khoảng 60% cổ phiếu và 40% tiền mặt. Nhóm ngành được khuyến nghị ưu tiên tập trung là ngân hàng, đầu tư công và chứng khoán – những lĩnh vực vẫn đang duy trì lực hỗ trợ tốt cho thị trường trong bối cảnh hiện tại.
Minh Khang