S&P 500 gần như đi ngang
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 hạ 0,07% xuống 6.225,52 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,03% lên 20.418,46 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 165,60 điểm, tương đương 0,37% còn 44.240,76 điểm.
Nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc theo kịp các tín hiệu mâu thuẫn từ ông Trump về thương mại. Vào ngày 7-7, ông Trump đã đẩy thời hạn áp thuế quan từ ngày 9-7 sang ngày 1-8. Sau đó vào cuối ngày, ông Trump cho biết thời hạn mới “không chắc chắn 100%.”
Tuy nhiên, vào 8-7, Tổng thống Mỹ đăng trên Truth Social rằng sẽ không thay đổi hay gia hạn nào cho ngày 1-8. Cùng ngày, ông Trump cũng tuyên bố áp thuế quan 50% đối với kim loại đồng nhập khẩu.
Động thái trên thị trường vào thứ Ba diễn ra sau khi bị bán tháo mạnh vào ngày 7-7, với Dow Jones “lao dốc” hơn 400 điểm khi ông Trump áp thuế 25% đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Trump đã áp thuế mới đối với ít nhất 14 quốc gia vào ngày 7-7.
Nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin rõ ràng hơn nữa, với nhiều người kỳ vọng mức thuế cuối cùng sẽ không nghiêm ngặt như những gì ông Trump đã đe dọa.
Bill Merz, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định: “Những gì chúng ta thấy kể từ tháng 4-2025 thực sự là thị trường vượt qua được ý tưởng rằng thuế quan sẽ có tác động đặc biệt bất lợi đến tăng trưởng, lợi nhuận, lạm phát… Tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi rất nhiều trong một thời gian rất ngắn và trở nên lạc quan hơn.”
Về mặt tích cực, cổ phiếu Nvidia tiến 1%, gần ghi nhận mức vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu các ngân hàng đã gây áp lực giảm lên thị trường, sau khi HSBC áp dụng “lập trường thận trọng hơn” đối với các ngân hàng lớn. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America giảm 3%, còn cổ phiếu Goldman Sachs mất gần 2%.
Dầu tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent thêm 57 xu, tương đương 0,82% lên 70,15 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 40 xu, tương đương 0,59% lên 68,33 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 23-6 trong phiên thứ 2 liên tiếp.
Các nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết vào thứ Ba rằng họ sẽ cố gắng đàm phán với Mỹ để giảm bớt tác động của mức thuế quan tăng mạnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện có kế hoạch áp dụng từ đầu tháng 8-2025.
Ông Trump đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại của mình một lần nữa hôm 7-7, nói với 14 quốc gia rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan từ 25% đối với các quốc gia bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đến 40% đối với Lào và Myanmar.
Thuế quan của ông Trump là gia tăng sự bất ổn trên thị trường và lo ngại rằng chúng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, xuất khẩu đã giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 5, khi nhu cầu từ Mỹ giảm tháng thứ 2 liên tiếp do tác động của thuế quan.
Trong khi giá dầu có vẻ như chịu áp lực bởi việc OPEC+ dỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện, tình trạng khan hiếm sản phẩm chưng cất trung gian và các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu chở hàng đang hỗ trợ thị trường.
Hồi ngày 5-7, nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, đã nhất trí tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8-2025, cao hơn so với mức tăng 411.000 thùng/ngày trong 3 tháng trước đó.
Khi nhu cầu giảm theo mùa, sự gia tăng xuất khẩu của OPEC+ sẽ tác động đến thị trường, làm tăng rủi ro giảm giá.
Reuters đưa tin nhóm OPEC+ dự kiến sẽ thông qua mức tăng thêm 550.000 thùng/ngày trong tháng 9-2025 khi nhóm này họp vào ngày 3-8, điều này sẽ hủy bỏ tất cả các đợt cắt giảm trước đó.
Yên Huỳnh