S&P 500 tăng điểm khởi đầu quý II
Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0,38% lên 5.633,07 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,87% lên 17.449,89 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones hạ 11,80 điểm, tương đương 0,03%, xuống 41.989,96 điểm.
Biến động của S&P 500 tương tự như hôm 31/3. Ở mức đỉnh trong phiên ngày thứ Ba, S&P 500 tăng 0,7%, nhưng chỉ số này đã “bốc hơi” gần 1% tại mức thấp nhất trong phiên.
Lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu hoạt động tốt nhất trong phiên. Cổ phiếu Tesla nhảy vọt 3,6%, còn cổ phiếu Nike thêm 2%.
Nhà đầu tư lại nhận thêm một tin tiêu cực về nền kinh tế vào thứ Ba do mối đe dọa thuế quan, với cuộc khảo sát sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) có kết quả thấp hơn so với dự báo và trong vùng suy thoái. Cục Thống kê Lao động Mỹ vào cùng ngày cho biết rằng số vị trí tuyển dụng trong tháng 2 cũng thấp hơn một chút so với dự báo.
Sắp tới, Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa từ hầu hết mọi quốc gia vào ngày 2/4. Nhà đầu tư đã hy vọng vào một cách tiếp cận hẹp hơn đối với việc quản lý các khoản thuế. Cũng trong thứ Ba, Nhà Trắng khẳng định rằng các mức thuế quan của ông Trump sẽ có hiệu lực “ngay lập tức” sau khi chúng được công bố.
Washington Post đã đưa tin rằng chính quyền ông Trump đang cân nhắc áp dụng mức thuế khoảng 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Để chắc chắn, báo cáo này lưu ý rằng vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Sự bất ổn đã khiến cổ phiếu biến động. S&P 500 vào ngày 31/3 đã chạm mức đáy 6 tháng trước khi phục hồi. Trong quý đầu tiên, S&P 500 mất 4,6%, trong khi Nasdaq Composite lao dốc 10%, đánh dấu quý tồi tệ nhất đối với cả 2 chỉ số kể từ năm 2022. Dow Jones sụt 1,3% trong 3 tháng đầu năm.
Dầu rút khỏi mức đỉnh sau 5 tuần
Tuy nhiên, lời đe dọa áp thuế thứ cấp đối dầu Nga và tấn công Iran của ông Trump đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung, qua đó kìm hãm đà giảm giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent mất 39 xu, tương đương 0,5%, xuống 74,38 USD/thùng. Mức cao nhất trong phiên là trên 75 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI sụt 38 xu, tương đương 0,5%, còn 71,10 USD/thùng.
Hồi hôm 31/3, cả 2 hợp đồng đã khép phiên tại mức cao nhất trong 5 tuần.
Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi của các mức thuế mà họ xác nhận ông Trump sẽ công bố vào ngày 2/4.
Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực trong năm nay do chính sách thuế quan của Mỹ và suy thoái kinh tế ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi OPEC+ tăng nguồn cung.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu, điều này có thể bù đắp cho bất kỳ sự suy giảm nào về nguồn cung do các mối đe dọa của ông Trump.
Hôm 30/3, ông Trump cho biết sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp từ 25% đến 50% đối với những quốc gia mua dầu của Nga nếu Moscow cố gắng ngăn chặn nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Thuế quan đối với những quốc gia mua dầu của Nga, nơi xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu và gây tổn hại cho các khách hàng lớn nhất của Moscow là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trump đe dọa Iran với mức thuế tương tự và cũng bằng các cuộc ném bom nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng về chương trình hạt nhân của nước này.
Giá dầu đã tìm thấy một số hỗ trợ sau khi Nga yêu cầu cảng xuất khẩu dầu chính của Kazakhstan đóng cửa 2/3 bến neo đậu trong bối cảnh căng thẳng giữa Kazakhstan và OPEC+ về tình trạng sản xuất dư thừa.
Thị trường cũng sẽ theo dõi cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ vào ngày 5/4 để xem xét chính sách. Reuters đưa tin rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng 135.000 thùng/ngày vào tháng 5. Tổ chức này đã đồng ý tăng sản lượng mức tương tự vào tháng 4.
Yên Huỳnh