Chung lòng vì mục tiêu phát triển

Chung lòng vì mục tiêu phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Chuyển động từ lòng dân
Để chuẩn bị cho việc lấy ý kiến cử tri, từ ngày 16/4, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thông báo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân qua nhiều kênh thông tin. Tại tổ dân phố (TDP) 14, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, vừa phát huy thế mạnh của cuộc cách mạng 4.0 để nhanh chóng cập nhật thông tin, cán bộ TDP, các tổ trưởng, nhóm trưởng… "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phát phiếu lấy ý kiến cử tri về các đề án sắp xếp ĐVHC.
Mỗi cuộc gặp mặt các gia đình là một cuộc thảo luận xoay quanh việc sáp nhập ĐVCH. Nhiều tâm tư nguyện vọng, mong muốn cũng được chia sẻ, bày tỏ và trở nên thông suốt, nhờ đó đã tạo sự đồng thuận ngay từ cơ sở, trong mỗi thôn, xóm, xã, phường.
Nhân dân thôn Tây Phú, xã Quang Phú bỏ phiếu lấy kiến về các đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã.
Tại thôn Tây Phú, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới, việc lấy ý kiến nhân dân được tổ chức trang trọng, tuân thủ nghiêm các quy định. 8 giờ sáng, 237 người dân đại diện 237 hộ gia đình trong thôn có mặt tại nhà văn hóa thôn để được phổ biến, hướng dẫn việc bỏ phiếu. Tất cả các thông tin liên quan được niêm yết đầy đủ, rõ ràng. Để việc bỏ phiếu thành công, tổ công tác gồm 5 thành viên do Bí thư Chi bộ thôn làm tổ trưởng, 1 đồng chí thư ký là công chức xã về hỗ trợ.
“Sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã sẽ giúp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về các đề án cho thấy sự dân chủ, tôn trọng nhân dân. Những góp ý từ thực tiễn, từ người dân địa phương sẽ giúp chính quyền có cái nhìn toàn diện hơn, tránh được các phương án thiếu khả thi hoặc chưa phù hợp với thực tế. Cá nhân tôi đồng tình với các đề án và hy vọng khi triển khai, chính quyền sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Lê Đan Tê, thôn Tây Phú, chia sẻ.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc lấy ý kiến cử tri về các đề án cũng được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định, dân chủ, hiệu quả.
Giữ hồn xưa, mở lối mới
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái.
Tham gia ý kiến về đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn để Việt Nam nắm bắt cơ hội chung của khu vực và thế giới. Phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, ông khái quát quá trình và không gian hình thành, phát triển của hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, những nét tương đồng và cơ hội khi hòa chung thế mạnh. Đặc biệt, ông nhấn mạnh 2 mốc lịch sử lớn từng sáp nhập hai tỉnh với tên gọi Bình Trị và gần đây nhất là hợp nhất trong không gian chung của ba tỉnh Bình Trị Thiên.
Cùng với phân tích ý nghĩa, khát vọng của cha ông, ông cho rằng tên gọi cần được lựa chọn trên cơ sở tôn trọng yếu tố lịch sử, phản ánh bản sắc văn hóa chung và thể hiện được khát vọng đoàn kết, phát triển của cả vùng. Ông bày tỏ mong muốn được giữ lại tên “Bình Trị”, một cách gọi giản dị nhưng thân thuộc, từng tồn tại và gắn bó với người dân suốt một thời kỳ đáng nhớ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định tính ưu việt của việc kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện với mục tiêu xây dựng một chính quyền gần dân hơn, nâng cao hiệu lực quản lý của cấp xã với mục đích phục vụ người dân được tốt hơn, phù hợp hơn trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, thể chế trong các bộ luật, quy định rõ ràng trong khung pháp lý về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp. Bên cạnh đó là các lộ trình cụ thể với bước triển khai rõ ràng, nếu không sẽ dẫn đến quá tải cho tuyến tỉnh, lúng túng ở tuyến xã.
Bà Hương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã; việc công khai, minh bạch và thực hiện chính phủ điện tử trong mọi hoạt động đi đến tuyến xã. Về tên gọi, ý kiến cũng đồng tình với việc cần có sự xem xét để kế thừa được những giá trị về văn hóa lịch sử truyền thống, bao hàm được sự gắn bó, đoàn kết giữa hai tỉnh và tiếp tục phát triển sau sáp nhập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Bên cạnh những tâm sự về tên gọi mới của tỉnh, về cách thức và hiệu quả hoạt động của bộ máy sau khi được tinh gọn, tên gọi của các xã, thôn, TDP sau sáp nhập cũng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trên tinh thần vì lợi ích chung, nhân dân cơ bản đồng thuận. Một số người dân mong muốn sau khi sáp nhập, tên gọi các thôn vẫn được giữ nguyên trong xã mới. Đây không chỉ là cách gìn giữ ký ức, truyền thống của quê hương, mà còn giúp thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Liên quan đến nội dung này, ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã ký ban hành Công văn số 03/CV-BCĐ gửi thành ủy, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Công văn nêu rõ tiếp tục xác định thôn, TDP là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Trước mắt giữ nguyên các thôn, TDP hiện có. Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, TDP theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Cử tri xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch tham gia bỏ phiếu sáng 19/4.
Gác lại tâm tư, vì lợi ích nhân dân
Trước yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, bên cạnh những lợi ích rõ nét là những băn khoăn về việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập. Tuy nhiên trong cuộc cách mạng mới này, nhiều cán bộ đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, cho thấy tinh thần gương mẫu, đi đầu vì tập thể, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi cá nhân vì mục tiêu chung của tỉnh, của Đảng và Nhà nước. Một số cán bộ chủ chốt đã xin nghỉ hưu trước tuổi để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Và nhiều cán bộ khác sẵn sàng gác lại tâm tư, vì lợi ích nhân dân.
Bà Đinh Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Phú, TP. Đồng Hới khẳng định bản thân sẽ luôn nỗ lực, cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao và sẵn sàng ủng hộ các phương án sắp xếp ĐVHC. Nhiều cán bộ, đảng viên cũng chia sẻ về sự cần thiết phải thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất nhận thức, tư tưởng, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.
Với tinh thần dân chủ, công khai, cầu thị và tiếp thu nghiêm túc mọi ý kiến đóng góp, Quảng Bình đang từng bước hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo hướng phù hợp với thực tiễn địa phương. Tin rằng, với sự đồng thuận từ cơ sở, các đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã sẽ phát huy hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của tỉnh trong giai đoạn mới.
Ngọc Mai - Diệu Hương - Xuân Hoàng
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202504/chung-long-vi-muc-tieu-phat-trien-2225735/