Chúng ta biết gì về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza?

Chúng ta biết gì về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza?
5 giờ trướcBài gốc
Người dân Palestine ăn mừng sau khi lệnh ngừng bắn được công bố.
Thỏa thuận bao gồm lệnh ngừng bắn tạm thời, chấm dứt tình trạng phá hủy Gaza, cũng như việc thả những người bị giam giữ ở Gaza và nhiều tù nhân bị Israel giam giữ. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép những người Palestine phải di dời được trở về nhà của họ.
Giai đoạn đầu tiên
Giai đoạn đầu sẽ kéo dài 6 tuần, bao gồm một cuộc trao đổi tù nhân hạn chế, rút một phần quân đội Israel khỏi Gaza và tăng cường viện trợ cho vùng đất này.
33 tù nhân Israel, bao gồm phụ nữ, trẻ em và thường dân trên 50 tuổi bị bắt trong cuộc tấn công do Hamas cầm đầu vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, sẽ được thả. Đổi lại, Israel sẽ thả nhiều tù nhân Palestine trong giai đoạn này, bao gồm cả tù nhân đang thụ án chung thân. Trong số những người Palestine được thả có khoảng 1.000 người bị giam giữ sau ngày 7/10/2023.
Song song với việc trao đổi tù binh, Israel sẽ rút quân khỏi các khu dân cư của Gaza đến các khu vực không quá 700 mét bên trong biên giới Gaza với Israel. Tuy nhiên, có thể loại trừ Hành lang Netzarim, vành đai quân sự chia đôi Dải Gaza và kiểm soát hoạt động di chuyển tại đây, thay vào đó, việc rút khỏi Netzarim dự kiến sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
Israel sẽ cho phép người dân trở về nhà ở phía bắc vùng đất bị bao vây, nơi các cơ quan cứu trợ cảnh báo nạn đói có thể đã xảy ra, đồng thời cho phép đưa hàng cứu trợ vào vùng đất này, với số lượng lên tới 600 xe tải mỗi ngày.
Israel cũng sẽ cho phép những người Palestine bị thương rời khỏi Dải Gaza để điều trị và mở cửa khẩu Rafah với Ai Cập 7 ngày sau khi bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên.
Lực lượng Israel sẽ giảm sự hiện diện của họ tại Hành lang Philadelphi, khu vực biên giới giữa Ai Cập và Gaza, sau đó rút quân toàn bộ chậm nhất vào ngày thứ 50 sau khi thỏa thuận có hiệu lực.
Chuyện gì xảy ra sau giai đoạn đầu tiên?
Chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba, mặc dù được hiểu là đã nhất trí về nguyên tắc, sẽ được đàm phán trong giai đoạn đầu tiên. Israel khẳng định không đưa ra bất kỳ đảm bảo bằng văn bản nào để loại trừ khả năng tiếp tục các cuộc tấn công sau khi giai đoạn đầu tiên hoàn tất và các tù nhân dân sự được trả tự do.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin Ai Cập được hãng thông tấn Associated Press trích dẫn, ba bên trung gian tham gia đàm phán gồm Ai Cập, Qatar và Hoa Kỳ đã đảm bảo các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục và cả ba sẽ thúc đẩy một thỏa thuận, trong đó giai đoạn thứ hai và thứ ba sẽ được thực hiện trước khi thời hạn 6 tuần đầu tiên trôi qua.
Giai đoạn thứ hai
Nếu xác định các điều kiện cho giai đoạn thứ hai được đáp ứng, Hamas sẽ thả tất cả những người còn sống bị giam giữ, chủ yếu là binh lính, để đổi lấy việc thả người Palestine bị giam giữ trong hệ thống nhà tù của Israel. Ngoài ra, theo tài liệu hiện tại, Israel sẽ bắt đầu “rút quân hoàn toàn” khỏi Gaza.
Tuy nhiên, những điều kiện này vẫn chưa được nội các Israel thông qua, trái ngược với lập trường đã nêu của nhiều thành viên cánh hữu trong nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu, những người mà ông dựa vào để được ủng hộ, cũng như lập trường trước đây của chính Netanyahu, khi ông nhiều lần lợi dụng sự hiện diện của Hamas ở Gaza để kéo dài cuộc xung đột.
Giai đoạn thứ ba
Chi tiết về giai đoạn thứ ba vẫn chưa rõ ràng. Nếu các điều kiện của giai đoạn thứ hai được đáp ứng, giai đoạn thứ ba sẽ chứng kiến việc trao trả thi thể của những người bị bắt giữ còn lại để đổi lấy một kế hoạch tái thiết kéo dài từ 3 đến 5 năm được thực hiện dưới sự giám sát của quốc tế.
Hiện tại không có thỏa thuận nào về việc ai sẽ quản lý Gaza sau lệnh ngừng bắn. Hoa Kỳ đã thúc đẩy một phiên bản cải cách của Chính quyền Palestine để thực hiện việc này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết chính quyền Palestine sẽ mời “các đối tác quốc tế” thành lập một chính quyền quản lý lâm thời để điều hành các dịch vụ quan trọng và giám sát lãnh thổ. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, ông cho biết các đối tác, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập, sẽ cung cấp lực lượng để đảm bảo an ninh trong ngắn hạn.
Để một kế hoạch như vậy có thể thực hiện được, sẽ cần sự ủng hộ của các quốc gia Ả Rập, bao gồm cả Ả Rập Xê Út, những quốc gia đã tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ kế hoạch nếu có con đường dẫn đến nhà nước Palestine độc lập. Điều này tạo ra một điểm tranh cãi khác cho các nhà lập pháp Israel, mặc dù Israel đã đồng ý với giải pháp hai nhà nước trong Hiệp định Oslo những năm 1990.
Israel vẫn chưa đề xuất một hình thức quản lý thay thế nào ở Gaza.
TD (theo Aljazeera)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/chung-ta-biet-gi-ve-thoa-thuan-ngung-ban-giua-israel-va-hamas-o-gaza-237118.htm