Chúng ta chưa 'nhập khẩu' được môi trường văn hóa quản trị đại học tiên tiến

Chúng ta chưa 'nhập khẩu' được môi trường văn hóa quản trị đại học tiên tiến
7 giờ trướcBài gốc
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên có bài tham luận về “Phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học”, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang nhìn nhận, môi trường giáo dục đại học là nhân tố quyết định đến phẩm chất và năng lực người chuyên gia. Trong đó, tính tích cực, nỗ lực của giảng viên và sinh viên là chỉ số đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cùng với các chính sách tự chủ đại học có tác dụng hỗ trợ tạo động lực cho mọi hoạt động của con người trong môi trường đó.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục 2024
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang đánh giá, bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ hóa nhà trường, kích thích sáng tạo, góp phần thực hiện cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực, là điều kiện cơ bản để hiện thực hóa chủ trường đối mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Giáo dục định hướng cho ba yếu tố trong quá trình hình thành nhân cách con người. Yếu tố sinh học là nền tảng, yếu tố môi trường là quyết định, yếu tố tự hoạt động cá nhân là quyết định trực tiếp.
Để phát triển môi trường giáo dục đại học cần có giải pháp như thế nào?
Nghiên cứu cũng một số giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học.
Thứ nhất, cần hoàn thiện môi trường quản lý và quản trị đại học theo Luật Giáo dục đại học. Môi trường thể chế và pháp chế, hệ thống văn bản quản lý hệ thống gồm: các quy định của tổ chức Đảng, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các văn bản được hoàn thiện đảm bảo tiêu chí đầy đủ, dễ áp dụng và có sự tham gia của mọi thành viên ở ba khâu chính: xây dựng văn bản, triển khai và điều chỉnh. Đây là môi trường pháp lý đầu tiên, quan trọng và là điều kiện tiên quyết trong tự chủ đại học.
Điều kiện đảm bảo chất lượng (chỉ số định lượng được quy định) gồm: Cơ sở vật chất gồm diện tích phòng học đủ chuẩn, bàn ghế thiết kế đơn có thể sắp đặt linh hoạt; có máy chiếu, máy tính, mạng Internet…; có tài liệu và công cụ hỗ trợ giảng dạy (bảng thông minh, bảng từ, các học liệu đơn giản, máy photo); học liệu cứng gồm: giáo trình, đề cương bài giảng, đề cương môn học, tài liệu tham khảo chính, kết quả nghiên cứu (công trình, bài báo khoa học); địa chỉ trang web học tập; các không gian khác dành cho giảng viên và người học... Đây là những tiêu chí được đánh giá khá chi tiết khi kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục.
Quan hệ bên trong nhà trường giữa giảng viên và sinh viên là quan hệ cơ bản (chỉ số định tính) gồm: Môi trường hoạt động trên lớp (gồm giao tiếp từ các vấn đề, thảo luận từ các câu hỏi, các phương án trả lời; xử lý các ý kiến phản hồi từ sinh viên - các quan hệ liên quan đến nội dung dạy học là quan hệ lõi).
Môi trường ngoài lớp (gồm các hoạt động giúp đỡ riêng, chữa bài tập; hướng dẫn đọc tài liệu; chỉ dẫn hoặc hướng dẫn đi thăm quan thực tế); Môi trường khoa học công nghệ (gồm hội nghị khoa học các cấp hoặc vấn đề do giảng viên chủ trì, sinh viên tham gia; các hoạt động cấp trường sinh viên được huy động tham gia; cấp khoa học/bộ môn, sinh viên chủ động tham gia hoặc do họ tự tổ chức).
Thứ hai, hoàn thiện tiêu chí môi trường khoa học công nghệ là trọng tâm. Hoạt động khoa học trong trường đại học là đặc trưng, do vậy, tiêu chí điều kiện cơ sở vật chất (định lượng) có thể thay đổi liên tục nhưng có ba yếu tố (định tính) khá phổ biến cần quan tâm đặc biệt. Đó là: Hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên; gồm các hoạt động: Quan hệ hàng dọc từ đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tác động đến người học (nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên).
Ảnh hưởng tích cực bởi sự lan tỏa của nhà khoa học có uy tín đến thế hệ kế tiếp, người học được tiếp thụ những ý tưởng mới, phong cách khoa học có tính chất trường phái khoa học. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ quan hệ này không phải hoàn toàn tích cực bởi sẽ xuất hiện các vấn đề như liêm chính khoa học, lợi ích trong quan hệ, có sự “nấp bóng” hoặc hình ảnh “cây cao bóng cả” bao trùm nhiều thế hệ trẻ. Điều này cũng làm hạn chế sức bật của thế hệ trẻ, tư duy lối mòn và thiếu dân chủ.
Khắc phục hiện tượng này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, tại các đại học của Hoa Kỳ hạn chế giữ lại người đã học ở trường bởi họ tôn trọng sự đa dạng và phong cách mới từ những người đến từ cơ sở khác.
Quan hệ hàng ngang gồm các đồng nghiệp với nhóm cộng tác hoạt động tương tác trong chuyên môn, “nhóm nghiên cứu mạnh” hoặc các nhóm học thuật trong quá trình triển khai các chương trình, dự án lớn…
Quan hệ tổng hợp gồm mối quan hệ giữa chủ nhiệm đề tài, dự án (gồm hai dạng hoạt động ở trên với các cơ quan quản lý trong trường (khoa/bộ môn) với cơ quan ngoài trường (cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu hoặc tổ chức khác).
Chính sách của cơ sở giáo dục đại học trong tự chủ chính là yếu tố thúc đẩy, tạo sức hút với người tham gia khoa học ở trong trường hay ở ngoài nhà trường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, các điều kiện liên quan đến khoa học công nghệ, bao gồm: Phòng thí nghiệm, thực hành nghiên cứu; thiết bị chuyên dụng và chế độ duy trì vận hành; các phòng làm việc; sản phẩm khoa học, thông tin khoa học và tạp chí khoa học.
Ngoài ra, các trường đại học cần thiết kế lại khuôn viên là một không gian đa chức năng, bầu không khí tích cực, tạo môi trường làm việc thoải mái và thuận tiện, thu hút các giác quan và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc; đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường với thiên nhiên và cây xanh (Parklife) áp dụng phương pháp làm việc kết hợp, linh hoạt, bền vững và cởi mở.
Mục tiêu là thiết kế lại không gian làm việc kết hợp dạy và học, tăng cường hoạt động tương tác xã hội tốt hơn, có cả không gian để có thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc, tạo ra hiệu quả làm việc, hạnh phúc cho con người, tạo cảm giác gần gũi với cộng đồng và làm giàu trải nghiệm của người dạy cũng như sinh viên. Tất nhiên, nơi làm việc trong giáo dục đại học bao gồm nhiều chức năng đa dạng hơn, đề cao trách nhiệm giúp đỡ sinh viên bất cứ điều gì họ cần, kể cả quan tâm tư vấn sức khỏe của họ. Bất kỳ sự tác động chủ động hay bị động đến môi trường giáo dục cũng phải đặt lợi ích vì người học là cao nhất.
Thứ ba, phát triển mạnh môi trường số và không gian mở. Đây là điều kiện vật chất vô cùng rộng lớn và cũng rất đa dạng đang thách thức hệ thống giáo dục đại học.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang nhìn nhận, môi trường giáo dục đại học là nhân tố quyết định đến phẩm chất và năng lực người chuyên gia.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, giảng viên đại học phải đạt tiêu chuẩn “nhà giáo mới”, là người “phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ”. Phải chủ động thích nghi, tăng tốc độ và chất lượng kết nối trước sự thay đổi về môi trường xã hội và môi trường giáo dục. Chỉ trong môi trường thật sự dân chủ, trí tuệ và phản biện, thì cái mới sẽ xuất hiện.
Xã hội và người học rất cần những người thầy với phẩm chất như UNESCO khuyến cáo “người thầy giáo phải trở thành chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức”. Tăng tốc độ nhưng tránh vội vàng và chệch hướng, tránh hậu quả khôn lường (chất lượng kém), tránh “kỹ thuật hóa” giáo dục trong đổi mới sáng tạo, vì 4 thành phần trong khái niệm công nghệ thì có ba thành tố: nguồn lực người, nguồn lực thông tin, nguồn lực tổ chức, chỉ có một nguồn lực kỹ thuật.
Trong xã hội số, trường đại học không được phép chậm, tốc độ kết nối nhanh và đạt chuẩn quốc tế. Cùng với sáng tạo cái mới là thái độ tôn trọng sự khác biệt, học hỏi để đi cùng nhau, cùng tìm một hướng đúng trong bối cảnh mới, đó chính là văn hóa trong kỉ nguyên của môi trường nhân văn, môi trường số.
Trường đại học phải là trung tâm sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng những nhân cách văn hóa. Để có một môi trường sáng tạo phải cần thấu hiểu cặn kẽ hơn về tự chủ đại học và coi đây là đặc tính, là tâm điểm xuất phát của quản trị giáo dục tiên tiến, hiện đại, kiến tạo và dân chủ.
Thứ tư, cần duy trì sức sáng tạo của con người trong môi trường giáo dục. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang khẳng định, tôn trọng sự phát triển tự do của mỗi con người sẽ tạo tiền đề cho sáng tạo, cho phát minh. Giáo dục đại học càng phải tôn trọng và duy trì các nguyên lý cơ bản làm nền tảng để phát triển bền vững.
Môi trường tốt có thể làm thay đổi chu trình “I-P-O” trong giáo dục đại học (đầu vào - quá trình - đầu ra) của chu trình giáo dục rất đặc trưng với tư duy thuận là quan tâm nhiều đến chất lượng đầu vào (I) trong tuyển sinh. Với người điểm chuẩn thấp (I), nếu họ được trải nghiệm trong môi trường sáng tạo (P), có thể trở thành người có ích cho xã hội không kém gì người có điểm chuẩn cao. Bởi hiệu quả chất lượng công việc sau này có thể không đến từ bằng cấp (O). Môi trường giáo dục đại học phải là nơi lan tỏa các giá trị mới.
Văn hóa đại học cần tạo ba trụ cột nền tảng cho người học: Năng lực tư duy sáng tạo trên nền học vấn rộng; ngoại ngữ để tiếp cận văn hóa toàn cầu và công nghệ trên nền tảng nhân văn - đạo đức. Chỉ có như vậy, sẽ giúp người học trở thành “công dân toàn cầu có Tổ quốc”, nền giáo dục đại học có bản sắc văn hóa, cống hiến và lan tỏa.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang nhìn nhận, môi trường đại học góp phần xây dựng nhà trường là một chỉnh thể năng động để hấp thụ các tinh hoa, một đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao, tư vấn chính sách.
Bên cạnh đó, cần nhận thức đầy đủ hơn về tính chất của môi trường giáo dục đại học như: đặc tính sáng tạo, tự chủ, dẫn dắt sự phát triển để phụng sự đất nước vượt qua những thách thức, giữ vững ba trụ cột là đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học - chuyển giao thành công, tư vấn chính sách hiệu quả.
Tầm nhìn và môi trường giáo dục đại học cần đặt trọng tâm vào chuyển tải kiến thức và hiểu biết bền vững, khơi nguồn cảm hứng cho toàn cầu, với giá trị: Suy nghĩ phía trước, hợp tác, cam kết chất lượng là tâm điểm cho các hoạt động; truyền cảm hứng cho mọi thành viên, tạo ra một môi trường gồm các giảng viên cùng nhau nghiên cứu đưa ra các chương trình, nội dung, lĩnh vực cần đổi mới.
Môi trường giáo dục đại học tích cực là yếu tố quyết định chất lượng nhân cách chuyên gia; hệ thống pháp chế trong tự chủ đại học là yếu tố cơ bản; hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến là điều kiện quan trọng; hệ thống các quan hệ người - người với đặc trưng sáng tạo, dân chủ, nhân văn là tính chất của nhà trường hiện đại; vị trí của đại học trong môi trường xã hội với giá trị đặc sắc văn hóa trong hội nhập quốc tế là mục tiêu dài hạn của chiến lược phát triển bền vững.
Các lưu ý để phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang nêu lên một số kiến nghị quan trọng để phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.
Thứ nhất, tại tất cả các vùng, các trường đại học phải trở thành một môi trường để khẳng định vị thế là "thành phần hữu cơ đối với chiến lược các địa phương", đóng góp hiệu quả nguồn lực, khoa học công nghệ và tư vấn chính sách.
Thứ hai, môi trường pháp lý để tự chủ cần đủ căn cứ khoa học cụ thể của vấn đề, với lựa chọn của hệ thống quản lý, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Như vậy, chính sách đi vào cuộc sống phải dựa trên quản trị, quản lý, pháp chế mới có thể phát triển bền vững.
Thứ ba, về vấn đề tự chủ đại học, ít nhất có 4 mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau. Đó là, mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia; mô hình bán tự chủ (semi –autonomous) như ở Pháp và New Zealand; mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore; mô hình độc lập(independent) ở Anh, Úc. Bài học rút ra là Chính phủ sẽ đầu tư lớn cho các trường tự chủ thành công.
Thứ tư, môi trường đồng tâm hay kết nối cho các đại học tương lai. Dù là mô hình “trung tâm” hay “tổ hợp”, để tạo sức hút và kết nối cần phải có thiết chế hiệu quả.
Dù là mô hình “trung tâm” hay “tổ hợp”, để tạo sức hút và kết nối cần phải có thiết chế hiệu quả. Ảnh chụp màn hình.
Thứ năm, kiểm định chất lượng giáo dục được coi trọng, “có răng". Kiểm định dựa trên cơ sở dữ liệu để phân tích.
Thứ sáu, chống "tác dụng phụ" của xã hội số. Để đánh giá bất cứ điều gì, theo phân loại của Bloom, nhận thức gồm 6 cấp độ, mức độ, đó là: Biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Công nghệ đã khiến hành vi "đi tắt" từ bước 1 (biết) đến bước 6 (đánh giá).
"Trong giáo dục, chúng ta mới nhìn một vài số liệu, thông tin đã có sự đánh giá. Đó cũng là tác dụng phụ", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang bày tỏ.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang cũng trích lời Geneva Gay đã phát biểu: “Chúng ta phải mở rộng quan niệm của mình bằng cách đưa vào nhà trường không chỉ nội dung của chủ đề môn học mà còn cả nền văn hóa”. Do vậy, khi phát triển chương trình giáo dục đại học, cần lưu ý: Chúng ta đã từng “nhập khẩu chương trình tiên tiến” nhưng chưa từng “nhập khẩu” được môi trường văn hóa quản trị đại học tiên tiến từ các nước.
Thi Thi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/chung-ta-chua-nhap-khau-duoc-moi-truong-van-hoa-quan-tri-dai-hoc-tien-tien-post245979.gd