Chúng ta làm gì trước thông tin sai lệch do AI tạo nên?

Chúng ta làm gì trước thông tin sai lệch do AI tạo nên?
2 giờ trướcBài gốc
Các chiến dịch thông tin sai lệch nổi bật đều liên quan đến chính trị toàn cầu trong năm 2024, có thể kể đến như thư thoại giả mạo từ tổng thống Joe Biden nhằm mục đích ngăn cản người dân bỏ phiếu, một số ứng cử viên chính trị tại Nam Á phải đối mặt với các video, hình ảnh và bài báo giả mạo hoặc những deepfake kích động bạo lực và biểu tình diễn ra ở khắp nơi...
Ma trận tin giả do AI tạo ra khiến kinh tế - xã hội - chính trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Minh họa: Pexels
Chúng ta có thể làm gì về sự lan truyền của thông tin sai lệch do AI tạo ra?
Báo cáo cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của Ipsos đối với 8.000 người trên 7 quốc gia cho thấy 56% người dùng Internet lấy tin tức chủ yếu từ mạng xã hội, nhiều hơn nhiều so với từ TV (44%) hoặc các trang web truyền thông khác (29%).
Mạng xã hội là nguồn tin tức chính ở hầu hết mọi quốc gia, mặc dù niềm tin vào thông tin mà mạng xã hội cung cấp thấp hơn đáng kể so với phương tiện truyền thông truyền thống. 68% số người được hỏi cho biết mạng xã hội là nơi tin giả lan truyền rộng rãi nhất, xếp trên các ứng dụng nhắn tin (38%).
Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, phát biểu với các phóng viên rằng thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trực tuyến - được các nền tảng truyền thông xã hội thúc đẩy và khuếch đại - gây ra "rủi ro lớn đối với sự gắn kết xã hội, hòa bình và ổn định".
Năm 2020, Hội đồng giám sát của Meta được thành lập, theo đó, Hội đồng này sẽ xem xét các khiếu nại về chính sách kiểm duyệt của Meta và đưa ra các khuyến nghị về chính sách nội dung. Pamela San Martín, đồng chủ tịch Hội đồng giám sát thừa nhận rằng: "AI có thể giúp chống lại thông tin sai lệch cũng như tạo ra rất nhiều thông tin sai lệch".
Ví dụ minh chứng cho sự sai lệch của AI là sự nhầm lẫn về việc đánh dấu 21 bài đăng về Bảo tàng Auschwitz. Các bài đăng này được AI liệt kê vào danh sách vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Sau đó, Meta đã phải xin lỗi và khắc phục hậu quả.
Các bài đăng trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật là có hình ảnh dán nhãn "chống Nga" xung quanh địa điểm trước đây của trại tử thần Auschwitz ở miền nam Ba Lan, một khu vực do Đức chiếm đóng trong Thế chiến II. Minh họa: AP
Tại Hội thảo Techcrunch Disrupt 2024, San Martín cho biết: "Hầu hết nội dung trên mạng xã hội đều được kiểm duyệt bằng tự động hóa và sử dụng AI để đánh dấu một số nội dung nhất định, bao gồm: cảnh báo, xóa nội dung, hạ thứ hạng trong thuật toán,... Khi các mô hình kiểm duyệt của AI trở nên tốt hơn, chúng có thể trở nên rất hữu ích trong việc giải quyết thông tin sai lệch." Như vậy, trong thời điểm hiện tại, các trang mạng xã hội vẫn đang từng ngày cải thiện tình trạng thông tin sai lệch bằng cách đào tạo AI của mình ngày một tiến bộ hơn.
Hội thảo TechCrunch Disrupt 2024. Minh họa: TechCrunch
Guilherme Canela de Souza Godoi, người đứng đầu bộ phận tự do ngôn luận của UNESCO, cho biết hơn 50 quốc gia đã quản lý mạng xã hội, nhưng thường không theo đúng chuẩn mực quốc tế về quyền tự do ngôn luận và nhân quyền. Do đó, điều tối quan trọng là các nền tảng mạng xã hội phải kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả và trên quy mô lớn, ở mọi khu vực và mọi ngôn ngữ, và phải có trách nhiệm minh bạch các thuật toán, hướng đến việc tối đa hóa thông tin đáng tin cậy.
Imran Ahmed, CEO của Trung tâm phi lợi nhuận Chống hận thù kỹ thuật số đưa ra một số dẫn chứng lạc quan về việc kiểm soát AI, ví dụ như Open AI thêm hình mờ đóng dấu hình ảnh do AI tạo ra. Người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc hình ảnh, công cụ AI nào được sử dụng để tạo ra nội dung có sử dụng nền tảng OpenAI thông qua các trang web như Content Credentials Verify. Mặc dù việc đóng dấu bản quyền do AI tạo ra không phải là cách chắc chắn để ngăn chặn thông tin sai lệch nhưng đây cũng là động thái tích cực từ phía các công ty chủ quản về trí tuệ nhân tạo.
Một số chuyên gia đề xuất các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán chặn hành vi mua bán thông tin sai lệch, thông tin/hình ảnh tính chất khiêu dâm và các máy chủ lưu trữ trang web xấu. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên có nhiều chính sách thắt chặt sự lan truyền thông tin sai lệch từ AI, tuy nhiên, hiệu quả của những điều luật này chưa thực sự đáng kể.
Cần nhiều hơn sự góp sức từ cộng đồng
Để đối phó với sự gia tăng của thông tin sai lệch do AI tạo ra, nhiều tổ chức và chính phủ trên toàn cầu đang bắt đầu triển khai các chiến lược toàn diện nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cải thiện khả năng phát hiện thông tin không chính xác. Một bước quan trọng là giáo dục người dân về cách nhận biết và đối phó với tin giả, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi, những người tiêu thụ thông tin chủ yếu qua mạng xã hội.
Chương trình giáo dục truyền thông cũng nên được thực hiện như một giải pháp nhằm trang bị cho người dùng các kỹ năng cần thiết để phân tích, đánh giá và xác minh thông tin.
Những khóa học này có thể bao gồm cách kiểm tra nguồn gốc tin tức, nhận diện dấu hiệu của tin giả cũng như cách thức hoạt động của các thuật toán trên mạng xã hội. Đặc biệt, việc tập trung vào những nền tảng phổ biến như Facebook, Twitter và Instagram là rất cần thiết, vì đây là những nơi mà người dùng thường xuyên tiếp cận nội dung.
Sự kết hợp mạnh mẽ từ người dùng đối với phản hồi về thuật toán của các công ty công nghệ lớn cũng đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch. Ví dụ, trong khi các nền tảng đã bắt đầu cập nhật các thuật toán của họ, giúp dễ dàng nhận diện và đánh dấu các nội dung bị nghi ngờ từ sớm, giảm thiểu khả năng lan truyền của chúng, người dùng cũng có thể gửi báo cáo, chặn nội dung/hình ảnh nghi ngờ giả mạo do AI tạo ra một cách thủ công và gửi phản hồi cho trung tâm dữ liệu.
Để các biện pháp phát huy hiệu quả, cần phải có sự tham gia và cam kết từ các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các tổ chức xã hội, và người dùng. Việc xác minh thông tin không chỉ là trách nhiệm của các nền tảng truyền thông xã hội, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Những quy định pháp lý chặt chẽ và sự kiểm tra từ các tổ chức độc lập cũng cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái thông tin minh bạch hơn.
Cuối cùng, các nhà khoa học và chuyên gia về AI cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới có khả năng giảm thiểu sự lan truyền của thông tin sai lệch. Những công cụ và giải pháp sáng tạo có thể giúp tăng cường khả năng phát hiện deepfake và thông tin bị bóp méo, đồng thời đảm bảo rằng người tiêu dùng thông tin có thể tiếp cận những nguồn tin đáng tin cậy và chất lượng cao.
Dù con đường phía trước là đầy thách thức, nhưng với sự nỗ lực chung và một chính sách hợp lý, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai nơi thông tin sai lệch không còn là vấn đề lớn trong xã hội hiện đại.
Minh Phú
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/chung-ta-lam-gi-truoc-thong-tin-sai-lech-do-ai-tao-nen-179241105150227945.htm