Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nhằm nâng cao hiểu biết, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8/5), tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, khám sàng lọc, tư vấn sức khỏe miễn phí, góp phần hướng tới mục tiêu sinh con khỏe mạnh và nâng cao chất lượng dân số.
Thalassemia là bệnh lý di truyền bẩm sinh gây thiếu máu mạn tính do cơ thể không tạo đủ hemoglobin - thành phần chính của hồng cầu. Người mắc bệnh phải truyền máu định kỳ, sử dụng thuốc thải sắt suốt đời và đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như suy tim, gan, xương yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh Thalassemia. Mỗi năm có từ 300.000 - 400.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh ở thể nặng, phải điều trị tốn kém và kéo dài.
Ở Việt Nam, có khoảng 12 triệu người đang mang gen bệnh. Trong đó, khoảng 20.000 bệnh nhân đang phải điều trị suốt đời. Tổng chi phí điều trị cho một bệnh nhân thể nặng từ lúc sinh ra đến năm 30 tuổi có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Đây không chỉ là gánh nặng với bản thân người bệnh và gia đình, mà còn là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia cho người dân. Ảnh: Dương Chung
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thalassemia, từ đó thúc đẩy việc chủ động tầm soát, xét nghiệm sàng lọc di truyền trước hôn nhân, trước khi mang thai.
Theo số liệu của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 trường hợp mắc bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó, huyện Tam Đảo là địa phương ghi nhận tỷ lệ cao nhất với 19 ca.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, mới đây, huyện Tam Đảo đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới tại Trường THPT Tam Đảo 2.
Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã tổ chức khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân, nhất là các nhóm đối tượng có nguy cơ như thanh niên trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ mang thai, các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con.
Đây là mô hình phối hợp hiệu quả giữa y tế tuyến huyện và cơ sở, góp phần sàng lọc sớm các trường hợp nghi ngờ mang gen bệnh, từ đó giúp người dân có định hướng chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh Thalassemia có thể không biểu hiện ra bên ngoài, nhưng một người mang gen bệnh khi kết hôn với người cũng mang gen bệnh sẽ có khả năng sinh con mắc bệnh ở thể nặng. Việc xét nghiệm máu trước hôn nhân có thể giúp xác định nguy cơ này, từ đó có quyết định sinh sản an toàn, trách nhiệm.
Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới, huyện Tam Đảo còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan như diễu hành qua các trục đường chính, phát tờ rơi, truyền thông lưu động... tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thông điệp “Chủ động tầm soát - sinh con khỏe mạnh” được truyền tải sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ tới từng người dân.
Trưởng Phòng Dân số, Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết: Việc chủ động truyền thông, sàng lọc và quản lý bệnh Thalassemia không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân.
Trên thực tế, một số địa phương trên cả nước đã đưa xét nghiệm Thalassemia vào danh mục khám sức khỏe tiền hôn nhân bắt buộc trong chương trình dân số.
Đây là hướng đi tỉnh có thể nghiên cứu áp dụng, trong bối cảnh địa phương đang tích cực triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản và trẻ em.
Ngoài ra, việc lồng ghép truyền thông phòng, chống Thalassemia vào các chương trình tại trường học, tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... cũng mang lại hiệu quả tích cực, giúp chuyển tải kiến thức y học chuyên môn thành hành động cụ thể trong cộng đồng.
Thalassemia là bệnh lý có thể phòng ngừa hiệu quả nếu được sàng lọc và tư vấn kịp thời. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, việc tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, mở rộng mạng lưới khám, xét nghiệm và tư vấn trước hôn nhân cần được duy trì thường xuyên và đồng bộ.
Không chỉ dừng lại ở các chiến dịch hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong công tác dân số.
Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương từng bước mở rộng công tác sàng lọc, đưa xét nghiệm Thalassemia trở thành một xét nghiệm phổ biến khi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đó không chỉ là hành động thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Minh Nguyệt