Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực địa một số khu vực trong rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng 5-2025. Ảnh: A.Nhơn
Thời gian qua, đội ngũ ngành lâm nghiệp và kiểm lâm trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được ổn định, tổ chức hoạt động bảo vệ rừng được thông suốt, hiệu quả.
Thành quả của sự nỗ lực giữ rừng
Ngày 8-5-2025, chúng tôi theo đoàn công tác của tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác QLBVR tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Đoàn dành nhiều thời gian đi thực địa để nắm bắt tình hình; đồng thời, thăm hỏi, động viên lực lượng kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên chốt trực tại các trạm sâu hút trong rừng.
Trên đường đi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều loài động vật hoang dã (nai, bò tót, sóc…) đang tìm thức ăn tại các trảng cỏ, xung quanh cánh rừng rộng lớn với nhiều cây gỗ lớn quý giá. Để có được nguồn tài nguyên rừng như vậy, công tác QLBVR phải được triển khai thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả.
Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh cho biết, VQG Cát Tiên hiện được giao quản lý trên 71 ngàn hécta, nằm trên địa bàn 3 tỉnh cũ: Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng (nay đã thành 2 tỉnh mới: Đồng Nai và Lâm Đồng). Rừng Cát Tiên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng bậc nhất của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong vấn đề môi trường như: đảm bảo chức năng điều hòa nước vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho vùng hạ lưu. Hiện VQG Cát Tiên là một trong những đơn vị làm tốt nhiệm vụ giữ rừng và được lãnh đạo Trung ương, tỉnh đánh giá cao.
Khi đề cập đến thành quả giữ rừng trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh cho hay, năm 1997, UBND tỉnh Đồng Nai (cũ) đã ban hành quyết định đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và giữ đa dạng sinh học. Đồng Nai trở thành địa phương đóng cửa rừng sớm nhất trên cả nước lúc bấy giờ.
Ngay khi có chủ trương đóng cửa rừng, ngành lâm nghiệp và kiểm lâm Đồng Nai đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều phương án, giải pháp cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, như: tăng cường tuần tra, truy quét, ngăn chặn các đối tượng xâm nhập rừng trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến nhận thức của người dân; triển khai công tác trồng rừng và chăm sóc rừng trồng gỗ lớn bản địa, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; ra sức bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm... Rừng của Đồng Nai nhờ đó ngày càng phát triển và giá trị tài nguyên rừng dần được nâng lên.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai TRẦN ĐÌNH HÙNG cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh nên công tác QLBVR mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước hợp nhất, công tác QLBVR của đơn vị càng thuận tiện, hiệu quả hơn.
Tiếp tục phối hợp tốt để rừng mãi xanh
Trước khi sáp nhập tỉnh, tỉnh Bình Phước (cũ) có tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng khoảng 171 ngàn hécta; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 55,6 ngàn hécta, rừng trồng gần 99 ngàn hécta, còn lại là đất chưa có rừng.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, ngành lâm nghiệp tỉnh Bình Phước (cũ) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững. Các hành vi vi phạm về lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, tạo được tính giáo dục, răn đe cao. Công tác trồng, chăm sóc rừng trồng được quan tâm kịp thời. Chẳng hạn, trong năm 2024, tỉnh Bình Phước (cũ) đã trồng 40,39 hécta rừng sản xuất gỗ lớn từ nguồn vốn hỗ trợ; tiếp tục chăm sóc gần 170 hécta rừng trồng bán ngập và rừng sản xuất…
Ông Ngô Văn Vinh cho biết, sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Phước (cũ), tỉnh Đồng Nai (mới) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 313,7 ngàn hécta; trong đó, rừng đặc dụng chiếm 39,41%, rừng phòng hộ chiếm 23,14%, rừng sản xuất 37,45%. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trên ranh giới của 48/95 xã, phường mới thành lập và giao cho 14 đơn vị chủ rừng quản lý.
Địa bàn quản lý rộng lớn khiến cho công tác QLBVR luôn tiềm ẩn những khó khăn phức tạp. Thế nhưng, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã nỗ lực triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động của chi cục không bị gián đoạn và không ảnh hưởng tới nhiệm vụ. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai (cũ) và Chi cục Kiểm lâm Bình Phước (cũ). Bộ máy tổ chức mới gồm có: 1 chi cục trưởng, 4 phó chi cục trưởng với 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Hành chính, Bảo vệ rừng, Phát triển rừng, Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học), 2 đội kiểm lâm cơ động và 10 hạt kiểm lâm khu vực. Phương án nhân sự đơn vị trực thuộc gồm 17 vị trí công việc với tổng cộng 182 công chức và người lao động.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Lệ Quyên
Trên cơ sở chính quyền địa phương 2 cấp, 2 đội kiểm lâm cơ động và 10 hạt kiểm lâm khu vực được giao địa bàn quản lý theo ranh giới hành chính cấp xã, đảm bảo tiêu chí thành lập về diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Điều này đảm bảo phân chia nhân sự hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ, tăng tính minh bạch và hiệu quả, bám sát địa bàn quản lý…
Sau khi hợp nhất, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn chỉnh dự thảo chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và điều chỉnh bổ sung chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng trình HĐND tỉnh. Tiếp tục căn cứ vào các chương trình, dự án, phương án, kế hoạch được duyệt để triển khai các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Chủ động tham mưu chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ huy chữa cháy rừng, các tổ, đội phản ứng nhanh nhằm hạn chế xung đột giữa voi - người. Thực hiện các quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa kiểm lâm với các cơ quan, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng liên quan.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng, trồng cây xanh khi thời tiết thuận lợi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, khối lượng cây trồng có tỷ lệ sống trên 85%; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản...
An Nhơn - Lệ Quyên