Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, với cán bộ, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam Ảnh: TTXVN
Ước muốn hòa bình
Tại buổi giao lưu giữa đại biểu “Trại hè Việt Nam 2025 dành cho thế hệ trẻ kiều bào” với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày 25/7, trước những thắc mắc của kiều bào về nhiệm vụ, vai trò của sĩ quan, quân nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Thượng tá Vũ Thị Hương Thùy, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, sĩ quan quan sát viên quân sự kể: Tình hình chiến sự tại Phân khu Unity, Nam Sudan, nơi chị làm nhiệm vụ trong năm 2024, vô cùng phức tạp, các cuộc giao tranh quân sự liên tiếp nổ ra. Vì vậy, khó khăn là điều gần như không thể tránh khỏi đối với quân nhân nói chung và các nữ chiến sĩ nói riêng.
“Nơi đây, cuộc sống của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Sự khác biệt về khí hậu là một trong những khó khăn đầu tiên mà tôi cùng đồng đội phải vượt qua trong thời gian làm việc. Thời tiết nắng nóng quanh năm, nhất là vào mùa khô, nhiệt độ có những thời điểm lên tới 60 độ C. Không những thế, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ chăm sóc y tế chưa phát triển làm cho dịch bệnh như sốt rét, dịch tả và việc thiếu thuốc men trở thành thường xuyên”, Hương Thùy nói.
Thượng tá Vũ Thị Hương Thùy và người dân Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một môi trường làm việc đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo, đòi hỏi mỗi quân nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ phải tìm hiểu và thích nghi nhằm đáp ứng tốt từ yêu cầu công việc đến lối sống thường nhật.
Tuy nhiên, mặc dù điều kiện công tác còn bộn bề thiếu thốn nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước và tổ chức quốc tế cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm một lòng của đồng chí, đồng đội đang công tác tại Phái bộ, sự động viên tinh thần từ hậu phương gia đình, Thượng tá Hương Thùy đã thích nghi với cuộc sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về nước.
Chia sẻ về công việc mình đã làm tại phái bộ Nam Sudan, Hương Thùy cho biết: “Sau thời gian làm việc, chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng địa phương, như hướng dẫn họ cách trồng rau sạch, sửa chữa cơ sở hạ tầng, cách nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là dạy tiếng Anh và kỹ năng sống cho các em nhỏ... Những việc làm tuy nhỏ nhưng giúp người dân có cuộc sống tốt hơn và thêm yêu quý lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi kết nối hơn với người dân, tiếp thêm niềm vui, nghị lực để hoàn thành công việc và nhiệm vụ Tổ quốc giao phó. Tôi cũng cảm nhận được tình yêu của người dân địa phương khi chúng tôi trở về trong chuyến chia tay bịn rịn đầu năm nay, để thấy chúng tôi đã, đang và tiếp tục hoàn thành ước muốn hòa bình, lan tỏa giá trị tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè năm châu”.
Lan tỏa tinh thần và trách nhiệm quốc tế
Cũng tại giao lưu, trả lời câu hỏi của kiều bào trẻ về điều kiện để tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, trong vai trò một sĩ quan bảo đảm quân lương tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei, Đại úy Phạm Thị Mai Ngàn không ngần ngại trả lời: “Đó chính là tinh thần và trách nhiệm”. “Để có thể góp phần dựng xây hòa bình tại Abyei, bản thân tôi đã cống hiến hết sức mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình tại đây cũng như trên toàn thế giới”, Đại úy Mai Ngàn cho hay.
Với nhiệm kỳ bắt đầu từ 10/2023 - 10/2024 tại Abyei, khu vực liên tục diễn ra xung đột, tình hình an ninh phức tạp, nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp quân lương cho các đơn vị trong và ngoài trụ sở, Đại úy Mai Ngàn và đồng nghiệp luôn phải tính toán và dự trù quân lương đủ cho các đơn vị bất kể có tình huống khẩn cấp nào xảy ra. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì Abyei là khu vực biệt lập, không có bến cảng; lương thực được chuyển bằng đường bộ với thời gian dài.
Ngoài công việc chuyên môn, Đại úy Phạm Thị Mai Ngàn thường xuyên dành thời gian cho các bạn nhỏ địa phương nơi chị làm nhiệm vụ. Ảnh: NVCC
Để duy trì hoạt động của phái bộ cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình các nước, đòi hỏi Mai Ngàn và đồng nghiệp phải thay phiên nhau trực 24/24 để xử lý mọi tình huống. Hiểu rõ công việc của mình, chị luôn tâm niệm, phải hoàn thành công việc ở mức tốt nhất, với trách nhiệm của một người Việt Nam, một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, sẵn sàng làm mọi việc để mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân…
Theo Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Đại tá Mạc Đức Trọng, chương trình giao lưu giữa các chiến sĩ và kiều bào trẻ trở về từ nhiều quốc gia trên thế giới là dịp lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời tạo không gian giao lưu, đối thoại cởi mở giữa lực lượng sĩ quan gìn giữ hòa bình với thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài, góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến và tinh thần hội nhập. Thông qua chương trình, hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các sứ mệnh quốc tế cũng được quảng bá sâu rộng tới bạn bè thế giới qua chính các đại biểu kiều bào.
Giao lưu giữa đại biểu “Trại hè Việt Nam 2025 dành cho thế hệ trẻ kiều bào” với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Phát biểu tại giao lưu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Thị Thanh Mai cho biết: “Được gặp gỡ những người con ưu tú của đất nước, những chiến sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do và sự cống hiến thầm lặng để bảo vệ hòa bình chung cho nhân loại”.
Chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước. Ảnh: An Nhiên
Cũng theo bà Ngô Thị Thanh Mai, thông qua giao lưu, các bạn trẻ kiều bào không chỉ hiểu thêm về vai trò, nhiệm vụ cao cả của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, mà còn được truyền cảm hứng về tinh thần dấn thân, trách nhiệm toàn cầu và lòng yêu nước từ những tấm gương sống động ngay trước mắt mình. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn, các bạn trẻ kiều bào không chỉ hiểu thêm về cội nguồn mà còn được truyền cảm hứng để trở thành những “sứ giả hòa bình”, những người có thể lan tỏa thông điệp của Việt Nam về sự nhân văn, đoàn kết và hợp tác trên thế giới.
Hương Sen