Chứng tích bên dòng kênh huyền thoại

Chứng tích bên dòng kênh huyền thoại
17 giờ trướcBài gốc
Đến đầu vàm Vĩnh Tế
Dưới cái nắng ban trưa, chúng tôi đến cây cầu treo nằm ở đầu vàm Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc). Bên kia sông là địa phận thị trấn Đa Phước (huyện An Phú), nhà cửa đông đúc, làng bè nuôi cá đậu san sát. Phía hữu ngạn dòng kênh Vĩnh Tế là đô thị sầm uất, việc giao thương mua bán của tiểu thương và người dân luôn diễn ra tấp nập, cho thấy sự sung túc, phồn thịnh của vùng biên thùy này vẫn còn phát triển mãnh liệt trong tương lai. Bước qua tả ngạn dòng kênh, ngôi đình Vĩnh Nguơn trầm mặc tọa lạc, như chứng tích ghi lại bước chân của cha ông đến nơi đây khai hoang, đào kênh, lập làng.
Ở trên cổng đình là bức họa vị quan đứng dưới thuyền rồng cùng quân lính thị sát dòng kênh Vĩnh Tế, khẳng định người dân luôn khắc ghi công ơn to lớn của các bậc tiền hiền. Trên bệ cao đặt bài vị chạm phù điêu “hoàng nghĩa dũng Hữu Lễ Nguyễn công tôn thần”. Mặt phải ghi: “Sắc tứ thống suất Nguyễn Thành Hầu khâm tặng thác cảnh minh ứng hàm cảnh trác niên thượng đẳng thần”. Mặt trái ghi: “Khâm sai thống chế tiếp thủ Châu Đốc kiêm… huân quản Hà Tiên, Nguyễn Ngọc Hầu thần”. Còn mặt giữa ghi: “Khai quốc công… Lê Duyệt tả quân quận công sắc phong Dực bảo thượng đẳng tôn thần”. Cả 3 bài vị đều khắc ghi công ơn mở cõi của bậc tiền nhân.
Đầu vàm kênh Vĩnh Tế
Dân gian truyền rằng, vào thế kỷ XVIII, Nguyễn Hữu Lễ chỉ đường cho vua tôi nhà Nguyễn chạy thoát qua vùng sình lầy. Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long nhớ công ơn ban tặng tấm biển “Nghĩa khí trung bung”, cấp một sở đất và truyền cho hội quý tế hàng năm lấy hoa lợi tổ chức cúng tế. Trước kia, thôn này tên Vĩnh Nguyên, nhưng sau khi Thoại Ngọc Hầu đào xong con kênh Vĩnh Tế, đổi danh thành Vĩnh Nguơn, vì “cử” tên Húy. Hàng năm, tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân, Ban Quý tế đình Vĩnh Nguơn đều tổ chức lễ cúng long trọng...
Lăng mộ cổ
Từ kênh Vĩnh Tế, chúng tôi về thăm lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam. Khu lăng là công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, mang nét văn hóa, lịch sử tiêu biểu hiếm hoi ở vùng đất phương Nam. Khu chính giữa là lăng mộ và đền thờ, hai bên là dãy mồ vô danh. Lăng được xây dựng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX, là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia.
Yên nghỉ trong lăng là Danh thần Thoại Ngọc Hầu là công thần của triều đình nhà Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại (Nguyễn Văn Thụy), tước phong Ngọc Hầu. Ông có công khẩn hoang, lập làng, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ông mất năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những chứng tích quan trọng ghi dấu công lao to lớn tại biên thùy, ngàn năm lưu danh sử sách.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Thuở xưa, việc đào con kênh Vĩnh Tế gặp rất nhiều trở ngại, trong điều kiện thiếu thốn vật dụng, lương thực phục vụ nhu cầu ăn, uống và công cụ đào kênh. Người dân và binh lính gặp tai nạn trong lúc lao động, kể cả bị thú dữ tấn công, rắn, rết cắn, muỗi đầy rẫy. Điều kiện khí hậu thất thường nhiều chướng khí, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đào kênh.
Sau khi đào xong kênh Châu Đốc - Hà Tiên, nhà vua xét thấy phu nhân của ông Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Tế tính tình đức độ, luôn tận lực phụ giúp chồng trên con đường công bộc. Có lúc, bà thay chồng đôn đốc công việc đào kênh, giúp đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá và kênh Châu Đốc - Hà Tiên sớm hoàn thành. Nhà vua đã ban đặt tên kênh Châu Đốc - Hà Tiên là “Vĩnh Tế hà”, tên núi Sam gần bờ kênh là “Vĩnh Tế sơn”, làng cạnh núi là “Vĩnh Tế thôn”. Đây là sự tưởng thưởng của nhà vua dành cho bà Châu Thị Tế. Sau khi mất, bà cũng được chôn cất long trọng ở lăng Thoại Ngọc Hầu.
Giờ đây, dòng kênh huyền thoại Vĩnh Tế vẫn giữ nguyên giá trị về kinh tế, quốc phòng. Mỗi khi nhắc đến, người dân luôn nhớ công lao to lớn của bà Châu Thị Tế cùng chồng giúp dân, giữ nước, mở mang cương thổ, đem lại cuộc sống sung túc ở vùng biên thùy này.
Nguyễn Văn Thoại đã ghi nhận trên bia Vĩnh Tế Sơn, trong đó có đoạn: “Thần vẽ họa đồ dâng lên, ngưỡng mong vua soi xét. Năm trước đây thần phụng mạng xem sóc việc đào kinh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kinh núi Sập, đặt là núi Thoại. Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là núi Vĩnh Tế”.
LƯU MỸ
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/chung-tich-ben-dong-kenh-huyen-thoai-a409434.html