Chuỗi cà phê lớn thứ 2 Trung Quốc tham vọng lật đổ Starbucks

Chuỗi cà phê lớn thứ 2 Trung Quốc tham vọng lật đổ Starbucks
2 giờ trướcBài gốc
Cotti Coffee kỳ vọng mở mới 40.000 cửa hàng, nâng số cửa hàng đến năm 2025 lên 50.000 điểm bán. Ảnh: The New York Times.
Theo TLD, hiện tại, Cotti Coffee, chuỗi cà phê lớn thứ 2 tại Trung Quốc, đã có mặt tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu thông qua hình thức nhượng quyền thương mại. Thương hiệu này tự nhận là chuỗi cà phê lớn thứ 4 thế giới sau Starbucks, Luckin Coffee và Dunkin.
Cotti Coffee đã khởi động một kế hoạch mới đầy tham vọng bằng việc nâng tổng số lượng cửa hàng từ 10.000 lên 50.000 vào cuối năm 2025. Nếu thực hiện được kế hoạch này, Cotti Coffee có thể trở thành chuỗi cà phê có số lượng điểm bán lớn nhất thế giới.
Cạnh tranh khốc liệt giữa Cotti và Luckin
Theo Cotti, mục tiêu này sẽ thành công thông qua mô hình quầy cà phê trong các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng F&B cũng như các không gian bán lẻ lớn có lượng khách đông đúc.
Thương hiệu cũng cho biết đã ký hợp đồng với hơn 50 thương hiệu bán lẻ, F&B và cửa hàng tiện lợi nhằm phục vụ cho chiến lược này.
Trong vòng 2 năm qua, Luckin Coffee, chuỗi cà phê hàng đầu Trung Quốc với hơn 20.000 cửa hàng, đã cạnh tranh gay gắt với Cotti Coffee và thu hút nhiều sự chú ý. Việc cả hai chuỗi cà phê hàng đầu Trung Quốc liên tục cạnh tranh khốc liệt trên thị trường liên quan đến bối cảnh thành lập của cả hai.
Bà Jenny Zhiya Qian, từng là nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi cà phê Luckin Coffee. Ảnh: Bloomberg.
Vào tháng 10/2022, Cotti Coffee được thành lập bởi Charles Zhengyao Lu và Jenny Zhiya Qian. Trong đó, bà Jenny Zhiya Qian từng là người sáng lập kiêm CEO và ông Charles Zhengyao Lu từng giữ chức Chủ tịch Luckin Coffee.
Tuy nhiên, cả hai đã bị sa thải khỏi ban điều hành Luckin Coffee sau bê bối làm giả số liệu kinh doanh của công ty. Vì những lý do trên, ngay từ khi được ra mắt, Cotti Coffee đã trở thành đối thủ “đáng gờm” của chuỗi Luckin Coffee.
Trong khi cổ phiếu của Luckin đã được niêm yết thì Cotti gặp nhiều trở ngại trong việc huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Điều này liên quan đến bê bối ngụy tạo số liệu của hai nhà đồng sáng lập thương hiệu Cotti Coffee trước đó.
Do đó, Cotti phải liên tục tạo dựng lòng tin đối với các đối tác nhượng quyền cũng như những nhà đầu tư cho việc mở rộng của chuỗi. Chuỗi cà phê lớn thứ 2 tại Trung Quốc cũng làm điều tương tự với các nhà cung cấp nhằm thuyết phục họ kéo dài hạn thanh toán.
Luckin đã cố gắng phá vỡ lòng tin đó. Theo đó, nếu chi nhánh của Cotti Coffee nằm gần cửa hàng của Luckin thì khách hàng Luckin sẽ thường xuyên nhận được phiếu giảm giá 1,3 USD, trong khi các chi nhánh khác không có chương trình này.
Chiến lược này là một nỗ lực nhằm “bóp nghẹt” các bên nhượng quyền của Cotti. Tuy nhiên, cho đến nay, Cotti vẫn có thể xoay xở để chịu được áp lực cạnh tranh từ Luckin và thị trường.
97% chi nhánh liên tục ghi nhận tăng trưởng dương
Trong một bức thư đánh dấu kỷ niệm 2 năm thành lập, CEO Cotti Coffee Jenny Zhiya Qian đã đưa ra những thành tựu chính của chuỗi.
Thương hiệu đã khai trương 10.000 cửa hàng và xếp ở vị trí thứ 4 toàn cầu, với hoạt động trải dài trên 28 quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của công ty đã được cải thiện, với 97% chi nhánh liên tục ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 5 tháng qua và tỷ lệ đóng cửa chỉ ở mức 3,6% trong 2 năm qua.
Ngoài ra, cơ sở chuỗi cung ứng toàn cầu tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã đi vào hoạt động, giúp thương hiệu giảm một số chi phí, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và nguồn cung ổn định.
Đối với thương hiệu, trọng tâm chính cần phải theo đuổi là nhu cầu cốt lõi của khách hàng. Theo đó, Cotti Coffee đem đến khẩu hiệu “Cà phê ngon đến từ nguyên liệu chất lượng” cũng như thay đổi logo thương hiệu trẻ trung và phong cách hơn.
Với sự tập trung hoàn toàn vào sản phẩm, các chiến dịch như Mùa cà phê trái cây hay Hàng triệu bậc thầy cà phê đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của khách hàng. Kế hoạch này đánh dấu sự thành công trong việc cải thiện về danh tiếng thương hiệu.
Điều mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay chính là cuộc chiến giữa những chuỗi cà phê bao giờ sẽ dừng lại.
Peet’s Coffee, chỉ mới vào Trung Quốc năm 2017 và hiện có hơn 150 cửa hàng. Tương tự, các thương hiệu cà phê được đầu tư mạo hiểm như Manner và M Stand đều bắt đầu ghi nhận thành công về lượng đơn bán lẻ ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Trong khi đó, Luckin và KCoffee của KFC vẫn là những người tham gia chính vào cuộc chiến về giá cả.
Thị trường cà phê tại Trung Quốc còn rất sôi nổi. Tuy nhiên, nó vẫn cần nhiều yếu tố để xoa dịu tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện tại.
Anh Nguyễn
Nguồn Znews : https://znews.vn/chuoi-ca-phe-lon-thu-2-trung-quoc-tham-vong-lat-do-starbucks-post1507516.html