Phần trưng bày “Tết Đoan ngọ xưa và nay” theo 2 chủ đề chính: Tết Đoan ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan ngọ trong cung đình thời Lê Trung Hưng.
Không gian trưng bày Tết Đoan ngọ dân gian truyền thống được chọn lọc và tái hiện với các phong tục đặc sắc: Phong tục thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên; “giết sâu bọ”; đeo bùa tua bùa túi, đeo chỉ ngũ sắc...
Không gian trưng bày được tái hiện dung dị và chân thực, giúp du khách có thể tiếp cận và cảm nhận được nét độc đáo, ý nghĩa các phong tục Tết của người dân kinh thành xưa. Điểm nhấn của không gian trưng bày là hình tượng con giáp - linh vật rắn của năm Ất Tỵ được kết từ các loại lá cây thân thuộc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, sáng tạo, trở thành một điểm chụp ảnh ấn tượng cho du khách.
Không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.
Phần trưng bày Tết Đoan ngọ trong cung đình thời Lê được diễn giải qua hệ thống tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng: Các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến... được phỏng dựng lại qua hệ thống tranh vẽ dựa trên các tư liệu lịch sử; mô hình chiếc quạt lớn có đề bài thơ được phỏng dựng nhằm ghi dấu lại sự kiện vua Lê Hiến Tông (1498-1504) làm thơ đề trên quạt vào dịp Tết Đoan ngọ để gửi gắm những tâm tư, trăn trở của mình trong việc chính sự, trị vì đất nước.
Để hướng di sản đến gần với cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận di sản, “thực hành di sản”; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân tổ chức chương trình trình diễn, giao lưu với các chủ đề: Nghệ thuật thư pháp trên quạt; kết lá tạo hình.
Trong chương trình, các nghệ nhân sẽ chia sẻ những tri thức hay về bộ môn thư pháp và nghệ thuật kết lá tạo hình, đem hiểu biết và niềm vui đến cho du khách và các em học sinh, sinh viên.