Chuối xanh khan hiếm, tăng giá

Chuối xanh khan hiếm, tăng giá
4 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hưng Yên có khoảng 560 héc-ta trồng chuối, với sản lượng gần 40 nghìn tấn quả/năm. Tuy nhiên, bão số 3 và ngập lụt đã khiến gần 430 héc-ta chuối bị đổ gãy hoàn toàn, phần lớn là diện tích chuối cho quả phục vụ thị trường từ nay đến cuối năm.
Bão số 3 khiến nhiều diện tích chuối ở thành phố Hưng Yên bị gãy đổ
Đồng chí Ngô Quốc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Toàn xã có gần 100 héc-ta trồng chuối, tập trung chủ yếu ở ngoài đê thuộc thôn Quyết Thắng. Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn bộ diện tích chuối tại đây bị mất trắng, gây thiệt hại rất lớn đối với người dân. Thời điểm này, dù giá thu mua tăng cao nhưng người dân không có chuối để thu hoạch và xuất bán ra thị trường.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, thương lái tỉnh Nam Định cho biết: Nhiều năm nay, tôi chuyên thu mua chuối của người dân ở thành phố Hưng Yên. Do được chăm sóc tốt nên cây chuối cho buồng to, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, không có chuyến hàng nào xuất đi tại đây mặc dù giá chuối tăng trung bình 30 – 40% so với trước bão số 3, ở mức 200.000 – 350.000 đồng/buồng. Tôi gọi điện liên hệ đến nhiều nhà vườn nhưng ai cũng than “mất sạch” và thông tin rằng cần ít nhất một năm nữa mới khôi phục lại sản xuất bình thường.
Tại “vựa” chuối Khoái Châu, bão số 3 đã khiến hàng trăm héc-ta chuối mất trắng. Đồng chí Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mặc dù đã chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão từ sớm nhưng do cường độ bão mạnh đã gây ra thiệt hại rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khoảng 600 héc-ta diện tích trồng chuối ở các xã Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Tứ Dân… bị thiệt hại.
Nông dân xã Tứ Dân (Khoái Châu) chăm sóc cây chuối non còn lại sau bão
Thời điểm này, dù bão số 3 đã đi qua gần 2 tháng, những thiệt hại đối với người trồng chuối Khoái Châu vẫn còn hiện hữu. Nông dân đang khẩn trương dọn dẹp đồng ruộng, chăm sóc những cây chuối còn sống sót, cải tạo vườn ruộng, tái sản xuất... Bà Ngô Thị Hưng ở thôn Phương Trù, xã Tứ Dân cho biết: Thời gian trồng cây chuối cần ít nhất 10 tháng. Để trồng lại và thu hoạch vào Tết này là điều không thể. Vì vậy, giá chuối Tết năm 2025 sẽ tăng cao vì không chỉ diện tích trồng chuối ở huyện Khoái Châu mà nhiều nơi khác đều thiệt hại nặng.
Nguồn cung bị đứt gãy, hoạt động tái sản xuất cần thời gian dài khiến nhiều đầu mối thu mua chuối trong tỉnh phải đóng cửa, đình trệ giao thương, hoặc tìm kiếm nguồn cung từ các vùng trồng ở các tỉnh, thành phố khác. Đồng chí Phạm Văn Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tập thông tin: Hiện nay, 2 đầu mối thu mua chuối cho nông dân trong xã đã tạm ngừng hoạt động vì hầu hết diện tích trồng chuối tại địa phương bị thiệt hại nặng nề, sản lượng không còn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Hồng Châu, xã Tân Châu là đầu mối thu mua chuối ở khu vực huyện Khoái Châu đã nhiều năm. Từ tháng 9 đến nay, ông phải di chuyển lên các vùng trồng chuối ở tại các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình… để tìm nguồn hàng. Mặc dù giá thu mua cao gấp 2 lần so với thời điểm trước tháng 9/2024, tương ứng 12.000 – 13.000 đồng/kg nhưng số lượng rất ít và mẫu mã không đẹp. Ông Thịnh cho biết: Do thiên tai nên diện tích chuối bị hư hại quá lớn, trong khi đó việc thu dọn mất rất nhiều công sức, chi phí để cải tạo vườn ruộng, tái sản xuất không hề nhỏ. Cùng với đó, phải mất ít nhất một năm sau, diện tích tái sản xuất mới cho thu hoạch dẫn đến nguồn cung chuối còn khan hiếm trong thời gian dài và giá bán chưa thể hạ nhiệt.
Khảo sát tại các chợ dân sinh trong tỉnh, những quầy hàng bán chuối đều giảm mạnh số lượng, mẫu mã kém nhưng giá bán cao gấp 2 đến 3 lần so với cùng kỳ năm trước... Chị Nguyễn Thị Thơm, tiểu thương tại chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ) cho biết: Hơn 10 năm bán mặt hàng này, tôi chưa thấy thời điểm nào mà nguồn cung lại khan hiếm như hiện nay. Để có nguồn hàng phục vụ nhu cầu người dân, chúng tôi tìm kiếm các vùng trồng chuối trong tỉnh, trong vườn nhà dân. Các buồng thu được đều là sót lại sau bão, nải nhỏ và mã kém. Nhiều khách đến hỏi mua thấy giá bán cao quá lại từ chối tìm mua các loại hoa quả khác. Không chỉ người nông dân thiệt hại mà tiểu thương như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, chuối là một trong những loại cây bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bão, lụt vừa qua. Đây lại là sản phẩm chủ lực phục vụ cho Tết Nguyên đán. Trong khi việc khôi phục lại sản xuất cần thời gian dài.
Nhằm khôi phục lại diện tích chuối bị thiệt hại, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo: Người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương dọn sạch diện tích chuối bị đổ gãy, gieo trồng các cây rau màu ngắn ngày trên diện tích chuối bị thiệt hại để khắc phục kinh tế tạm thời. Với các vườn chuối bị đổ gãy hoàn toàn, dùng dao sắc cắt vát tạo thành góc nghiêng với thân gốc 45 độ và cách mặt đất 40 - 45cm rồi dùng nước vôi xử lý lên vết cắt để phòng nấm bệnh xâm nhập, giúp gốc cây bật mầm mới. Với những vườn chuối bị đổ nhẹ, cắt bỏ các lá hư hỏng và bẹ cây đã thoái hóa và khơi đất để nới lỏng vùng rễ cây còn bám chặt trong đất rồi dựng thẳng cây, cắm cọc chống giữ cố định cây, kết hợp xử lý thuốc phòng nấm và tuyến trùng hại rễ để cây phục hồi tốt... Tập trung bảo vệ các cây giống đã ươm, tiến hành trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi…
Dương Miền
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/chuoi-xanh-khan-hiem-tang-gia-3176584.html