Chương trình nhằm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU cùng các đại biểu của thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.N
Chương trình 06-CTr/TU là 1 trong 10 Chương trình công tác của của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, với 18 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Theo đó, trong hơn 4 năm qua, quá trình triển khai Chương trình 06 Thành ủy, các cấp ủy đều xây dựng Chương trình và kế hoạch thực hiện, đã tham mưu ban hành 46 văn bản trong đó có 2 Nghị quyết, 11 đề án, 33 kế hoạch...
Đến nay, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Chương trình 06 đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các nội dung cụ thể như: Xây dựng gia đình văn hóa; Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng với các mô hình: Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”, “Tổ dân phố, thôn không ma túy”; xây dựng và giữ gìn Ngõ phố sáng – xanh – sạch – đẹp”; Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Xây dựng môi trường văn hóa học đường: “Nói không với bạo lực học đường”; “Học sinh Thủ đô ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”; “Em yêu Hà Nội”, “Nhà giáo Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ban hành tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Trong lĩnh vực thể thao, Hà Nội ban hành kế hoạch đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD. Sự nghiệp thể dục thể thao cho mọi người được quan tâm đẩy mạnh; hoàn thành mục tiêu đề ra với tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.
Về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Thành phố chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhiều cấp học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội… Đến năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021).
Một trong những nhiệm vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm là việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ thành phố đề ra. Rất nhiều mô hình, phong trào hay đã được thực hiện, trong đó, việc đưa các Quy tắc ứng xử vào cuộc sống tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô…
Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong nhắc lại việc thực hiện và triển khai Chương trình số 06-CTr/TU diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi cả nước và Thủ đô phải gồng mình chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình.
“Đây là Chương trình kế tiếp nhiều chương trình trước đó về con người, văn hóa trong nhiều nhiệm kỳ. Nhưng đây là nhiệm kỳ đạt được nhiều thành tựu, tạo sự khác biệt. Chưa có Chương trình nào mà Thành ủy Hà Nội ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề, đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Quan trọng hơn, Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định.
Tổng kết lại Chương trình số 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, kết quả rõ nét nhất là tất cả chỉ tiêu trong chương trình đã đạt được, nhiều chỉ tiêu vượt mức. Trong đó, thành phố đã có sự đầu tư đúng mức cho công tác giáo dục - đào tạo và văn hóa, xác định rất rõ mục tiêu: Lấy văn hóa, con người trở thành một trong 5 trụ cột quan trọng và là động lực cho phát triển Thủ đô.
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, Thủ đô Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có năng lực, uy tín, có sức cạnh tranh cao, từ đó tiến tới là thành phố kết nối toàn cầu. Đồng thời, Hà Nội cần thúc đẩy hơn nữa công tác hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm bạn bè quốc tế. “Chúng ta cần biến nguồn lực văn hóa, con người Hà Nội thực sự là nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô theo đúng định hướng Thủ đô văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Thành ủy biểu dương khen thưởng, tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy. Ảnh: H.N
Thái Nhung