Chương trình đào tạo tài năng STEM là 'vườn ươm' về chuyên gia, nhà khoa học

Chương trình đào tạo tài năng STEM là 'vườn ươm' về chuyên gia, nhà khoa học
13 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nêu: Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực.
Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực này đặc biệt nhấn mạnh mức độ cần thiết của việc thực hiện các chương trình đào tạo tài năng ở các lĩnh vực này nhằm khuyến khích đam mê nghiên cứu, sáng tạo.
Cần thiết kế một hệ sinh thái học tập thúc đẩy đam mê, sáng tạo
Đánh giá tầm quan trọng của việc triển khai các chương trình đào tạo tài năng, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Nhân Văn - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân) cho rằng: “Việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực then chốt như toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Những lĩnh vực này là nền tảng cho các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, điện toán hiệu năng cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới…
Đào tạo tài năng không chỉ giúp tạo ra lực lượng chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu, mà còn hình thành những cá nhân có khả năng tư duy độc lập, đổi mới, dám tiên phong trong nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển quốc gia. Đây chính là lực lượng nòng cốt để Việt Nam không chỉ là người tiêu dùng công nghệ mà còn là người làm chủ và sáng tạo công nghệ”.
Được biết, Trường Khoa học Máy tính (Đại học Duy Tân) đã và đang triển khai các chương trình đào tạo tài năng như liên ngành số, kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính. Trong đó có chương trình hầu hết được xây dựng theo chuẩn quốc tế và đã đạt kiểm định ABET.
Chương trình tài năng không chỉ có chuẩn đầu ra cao hơn về chuyên môn và kỹ năng mà còn tập trung vào năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giải quyết vấn đề thực tiễn. Sinh viên sẽ được tiếp cận với dự án thực tế, được tham gia nhóm nghiên cứu sớm, có cố vấn học thuật cá nhân, và cơ hội thực tập tại doanh nghiệp công nghệ lớn.
Về kế hoạch dài hạn, nhà trường đang phát triển lộ trình “ươm tạo tài năng công nghệ” từ năm thứ nhất, tích hợp học phần định hướng nghiên cứu và khởi nghiệp công nghệ. Yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng chương trình tài năng là thiết kế một hệ sinh thái học tập thúc đẩy đam mê, sáng tạo và phát triển cá nhân toàn diện, chứ không chỉ là tăng cường khối lượng kiến thức.
Tiến sĩ Võ Nhân Văn - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân). Ảnh: Webstite nhà trường.
Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc - Viện trưởng Viện Khoa học liên ngành, Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ và ứng dụng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định: “Các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt là nền tảng của khoa học và công nghệ, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Việc đào tạo các tài năng trong những lĩnh vực này không chỉ góp phần vào việc giải quyết các bài toán lớn của đất nước mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường quốc tế.
Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, các ngành khoa học này sẽ là chìa khóa để phát triển các công nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến công nghệ sinh học, từ sản xuất thông minh đến năng lượng tái tạo”.
Thầy Phúc thông tin, các chương trình đào tạo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn hướng đến các chương trình tài năng. Sự khác biệt rõ rệt so với chương trình chuẩn đó là việc thiết kế chương trình học chuyên sâu, thời gian học ngắn gọn và yêu cầu cao hơn về khả năng nghiên cứu, sáng tạo. Các học phần liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng được đưa vào chương trình đào tạo.
Các chương trình đào tạo còn cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp lớn, cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu thực tiễn, từ đó giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực từ các chương trình này thường vượt trội nhờ vào sự đầu tư kỹ lưỡng về cả kiến thức và kỹ năng.
Thầy Phúc bày tỏ: "Các chương trình đào tạo tài năng không hoàn toàn thiên về kiến thức hàn lâm mà còn cần trang bị cho người học khả năng làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu để giải quyết bài toán thực tế. Các em không chỉ nghiên cứu về mặt lý thuyết mà còn phải thực học, thực hành, có thể sử dụng kiến thức gắn liền với nghề nghiệp tương lai.
Nhằm nuôi dưỡng được tài năng một cách bền vững, chương trình đào tạo cần tạo ra môi trường học tập sáng tạo, cung cấp cơ hội nghiên cứu thực tế và phát triển các kỹ năng mềm. Các chính sách hỗ trợ tài chính như học bổng và tín dụng học tập cũng rất quan trọng để sinh viên không phải lo lắng về vấn đề kinh tế.
Đồng thời, chương trình cần có sự linh hoạt và cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển của từng sinh viên. Việc định hướng nghề nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu sẽ giúp tài năng được phát huy lâu dài".
Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lãm – Phụ trách Bộ môn Công nghệ Quang tử, Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), những chương trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ và kỹ thuật then chốt sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là có khả năng nghiên cứu, sáng tạo.
Hiện nay, các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang được thay đổi, cập nhật theo hướng tài năng và dự kiến sẽ được áp dụng từ năm học 2025-2026. Chương trình đào tạo mới được đối sánh với các trường đại học hàng đầu về công nghệ, nhằm đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt về mặt công nghệ.
Thầy Lãm cho rằng, điều cần có ở các sinh viên theo học chương trình đào tạo tài năng bên cạnh năng lực tư duy, khả năng phát hiện tốt, có kỹ năng giải quyết vấn đề đó là động lực học tập và nghiên cứu khoa học.
Phía nhà trường sẽ luôn tạo lập môi trường học tập cởi mở, có tính sáng tạo cao, nâng cao tính thách thức và truyền cảm hứng cho sinh viên. Các em không chỉ học kiến thức lý thuyết mà còn có thể sớm nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất và được tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại tại nhà trường.
Sinh viên cũng hoàn toàn có thể tham gia các nhóm nghiên cứu, trên cơ sở sự hướng dẫn của giảng viên để thúc đẩy khả năng sáng tạo của sinh viên trong lĩnh vực các em theo đuổi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lãm – Phụ trách Bộ môn Công nghệ Quang tử, Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Đẩy mạnh mô hình hợp tác 4 bên
Đề cập đến vấn đề hợp tác trong đào tạo tài năng, Tiến sĩ Võ Văn Nhân cho hay, cần phát triển mô hình “4 nhà” bền vững gồm: Nhà trường - Doanh nghiệp - Viện nghiên cứu - Nhà nước. Mỗi bên đóng vai trò nhất định, nhà trường đào tạo và phát hiện tài năng, doanh nghiệp cung cấp môi trường thực tiễn và công nghệ, viện nghiên cứu dẫn dắt định hướng học thuật chuyên sâu và Nhà nước tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và kết nối.
Để chương trình tài năng phát huy hiệu quả, theo Tiến sĩ Võ Văn Nhân, Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư đặc biệt cho sinh viên tài năng; hỗ trợ kinh phí triển khai nghiên cứu sinh viên, dự án khoa học trẻ; có cơ chế đãi ngộ giảng viên tham gia đào tạo tài năng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hợp tác giữa các bên.
“Chương trình tài năng cần trở thành “trục chính” trong chiến lược phát triển nhân lực khoa học và công nghệ. Đây là nơi khơi nguồn đổi mới sáng tạo, là “vườn ươm” cho về chuyên gia và nhà khoa học tương lai - lực lượng chủ lực đưa đất nước tiến nhanh trong kỷ nguyên số” - thầy Nhân nói.
Ảnh minh họa: NTCC.
Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, mô hình liên kết giữa Nhà trường – Doanh nghiệp – Viện nghiên cứu – Nhà nước cần được phát triển theo hướng hợp tác chặt chẽ, tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, từ việc thiết kế chương trình đào tạo đến việc cung cấp cơ hội thực tập và nghiên cứu.
Đặc biệt, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ tài chính, chính sách ưu đãi, và tạo điều kiện cho sự hợp tác này. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu có thể tham gia trực tiếp vào giảng dạy cùng với nhà trường.
Mô hình liên kết này không chỉ giúp sinh viên được đào tạo với những kiến thức cập nhật và kỹ năng thực tế mà còn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và cải tiến chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền khoa học công nghệ quốc gia.
Để hỗ trợ nhà trường triển khai hiệu quả chương trình đào tạo tài năng, thầy Phúc cho rằng: "Cần có các chính sách như tăng cường ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nên tạo môi trường tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc thiết kế và điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển khoa học công nghệ.
Về chính sách hỗ trợ người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Theo đó, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành kể trên sẽ được hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt. Người học được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập loại xuất sắc được cấp học bổng 100% học phí. Với nhóm giỏi và khá, học bổng lần lượt là 70% và 50%. Theo tôi, đây là chính sách tích cực để khuyến khích người học, thu hút tài năng".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc còn chỉ ra, để trở thành "nòng cốt" trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học cơ bản và công nghệ tiên tiến, các chương trình tài năng cũng phải gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển khoa học cơ bản và công nghệ tiên tiến của quốc gia.
Các chương trình tài năng cần được liên kết với các cơ quan nghiên cứu, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia trong ngành và chú trọng phát triển các kỹ năng thực tiễn, sáng tạo cho sinh viên. Các chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, công nghệ và mạng lưới quốc tế sẽ giúp tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu tốt nhất cho các tài năng trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc - Viện trưởng Viện Khoa học liên ngành, Trưởng khoa Khoa học Công nghệ và ứng dụng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.
Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lãm, để các chương trình đào tạo tài năng mang lại hiệu quả lâu dài, cần có sự kết hợp giữa Nhà trường - Doanh nghiệp - Viện nghiên cứu - Nhà nước. Khi đó, các cơ sở giáo dục đại học cần giữ vai trò chính yếu, nơi phát hiện, đào tạo và phát triển nhân tài, mặt khác cần có sự hỗ trợ, định hướng cùng doanh nghiệp để đào tạo đúng nhu cầu, tiếp nhận sinh viên đến thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng. Đối với viện nghiên cứu đóng vai trò phát triển về mặt tư duy đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nhà trường trong việc mà triển khai chương trình đào tạo tài năng.
Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lãm chú ý đến vấn đề đội ngũ giảng viên để dẫn dắt và giảng dạy các chương trình đào tạo tài năng.
"Chương trình đào tạo hoàn toàn có thể xây dựng nên nhưng vận hành chương trình đào tạo như thế nào thì cần đội ngũ giảng viên có chất lượng cao đặc biệt là thu hút giảng viên đang làm việc, nhà khoa học đang tu nghiệp ở nước ngoài về nước.
Trong đó, yếu tố quan trọng là môi trường làm việc. Thực tế, hiện nay có không ít nguồn lực, các gói hỗ trợ về nghiên cứu cho các nhà khoa học thực hiện đề tài. Điều cần thiết hơn bây giờ là môi trường làm việc thuận lợi, cởi mở và cơ chế, chính sách thông thoáng hơn trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Đây sẽ là động lực để nhân tài quay trở về nước đóng góp cho đào tạo và giáo dục.
Ngoài ra, một trong những khó khăn mà lớn nhất hiện nay của Việt Nam trong việc phát triển công nghệ liên quan chủ yếu đến đầu tư hạ tầng, các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Điều này là cần thiết để sinh viên tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất. Trong khi đó, cơ sở vật chất ở các trường đại học nói chung còn khá khiêm tốn. Bởi vậy, cần thiết phải có thêm đầu tư" - thầy Lãm chia sẻ.
Hồng Linh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/chuong-trinh-dao-tao-tai-nang-stem-la-vuon-uom-ve-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-post252760.gd