Chương trình hạt nhân Iran có dấu hiệu 'hồi sinh', chuyện gì tiếp theo?

Chương trình hạt nhân Iran có dấu hiệu 'hồi sinh', chuyện gì tiếp theo?
12 giờ trướcBài gốc
Gần một tuần sau khi Isarel-Iran ngừng bắn kết thúc cuộc chiến 12 ngày, gần 10 ngày sau đợt tấn công của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran, chương trình hạt nhân Tehran xuất hiện động thái quan trọng có thể kéo theo diễn biến khó lường.
Chương trình hạt nhân Iran “hồi sinh”?
Ngày 22-6, Mỹ triển khai loạt oanh tạc cơ B-2 chở hơn một chục quả bom phá boongke GBU-57 xuống các cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz của Iran, trong khi đó tàu ngầm Mỹ nã tên lửa Tomahawk vào cơ sở Isfahan. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đòn tấn công của Mỹ đã phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân Iran, xóa sổ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Dan Caine nói rõ các quả bom xuyên phá hạng nặng của Mỹ đã nhắm vào hai trục thông gió tại cơ sở hạt nhân Fordow.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh từ công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar Technologies công bố ngày 30-6 ghi nhận một số hoạt động diễn ra tại cơ sở hạt nhân Fordow của Iran - 1 trong 3 nơi hứng đòn tấn công của Mỹ ngày 22-6, theo đài CNN.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy có hoạt động tại và gần các trục thông gió và lỗ hổng do cuộc không kích của Mỹ vào khu phức hợp làm giàu nhiên liệu Fordow gây ra vào tuần trước. Ảnh: MAXAR TECHNOLOGIES
Theo Maxar Technologies, “các hoạt động đang diễn ra tại và xung quanh các trục thông gió, các hố do các cuộc không kích tuần trước gây ra tại tổ hợp làm giàu nhiên liệu Fordow”. Cụ thể, các hình ảnh được chụp vào ngày 30-6 cho thấy “một chiếc máy xúc và một số nhân viên đang có mặt ngay cạnh trục thông gió phía bắc trên sườn đồi của khu phức hợp ngầm, và cần cẩu dường như đang hoạt động tại lối vào của hố". Một số phương tiện cũng được nhìn thấy bên dưới sườn đồi và đang đỗ dọc theo con đường được xây dựng để tiếp cận khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh của nhà máy làm giàu hạt nhân Fordow của Iran cho thấy các phương tiện, thiết bị đào bới và cần cẩu hoạt động gần các hố bom do cuộc không kích của Mỹ gây ra vào tuần trước. Ảnh: MAXAR TECHNOLOGIES
Nhận định về các hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies, cựu thanh tra hạt nhân David Albright - hiện là người đứng đầu Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (Mỹ) - nhận định “Iran đang tích cực làm việc tại hai điểm bị bom đánh trúng, xuyên qua các trục thông gió” của cơ sở hạt nhân Fordow. Theo ông Albright, có khả năng các hoạt động này là “lấp đất trở lại các miệng hố, đánh giá kỹ thuật về mức độ thiệt hại và có thể lấy mẫu phóng xạ”.
“Chúng tôi quan sát thấy Iran đã nhanh chóng lấp sửa các hố bom trên con đường chính dẫn vào cơ sở trong vài ngày qua. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng mở lại bất kỳ lối vào đường hầm nào” - ông Albright đăng trên mạng xã hội X.
Một số phương tiện được nhìn thấy bên dưới một dãy núi và đỗ dọc theo con đường được xây dựng để tiếp cận địa điểm hạt nhân. Ảnh: MAXAR TECHNOLOGIES
Vài ngày trước khi Maxar Technologies công bố ảnh vệ tinh, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói rằng đòn tấn công của Mỹ không đủ sức phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân Iran. Ông Grossi cũng ước định rằng Iran có thể tái khởi động hoạt động làm giàu uranium chỉ sau vài tháng.
Tehran, phương Tây vẫn giằng co
Bên cạnh các dấu hiệu trên thực địa, chính phủ Iran những ngày qua liên tục có các phát ngôn cứng rắn liên quan chương trình hạt nhân nước này.
Mới nhất, ngày 30-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei tuyên bố rắn rằng Iran sẽ không đảm bảo an ninh cho các thanh sát viên của IAEA vào kiểm tra các địa điểm hạt nhân của Iran bị Mỹ và Israel tấn công. Ông Baghaei nói thêm rằng Iran cũng không thể đảm bảo duy trì hợp tác thông thường với IAEA. Trước đó, Tehran cáo buộc ông Grossi "phản bội nhiệm vụ" vì không lên án các cuộc tấn công của Israel và Mỹ vào các địa điểm hạt nhân của Iran. Các nhà lập pháp Iran tuần này đã bỏ phiếu đình chỉ hợp tác với IAEA.
Ngay sau tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Iran, 3 nước Pháp, Đức và Anh cùng ra tuyên bố chung lên án “những lời đe dọa” nhắm vào người đứng đầu IAEA, kêu gọi chính quyền Iran kiềm chế và “nối lại hợp tác toàn diện theo đúng các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý và thực hiện mọi bước cần thiết để đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên IAEA”.
Mỹ chưa lên tiếng về các động thái trên thực địa cơ sở hạt nhân Fordow theo như hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cũng như về các phát ngôn từ phía Iran.
Đầu ngày 30-6 Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rõ rằng ông không thảo luận với các nhà lãnh đạo Iran và không đưa ra bất cứ đề nghị gì với phía Iran. Hai ngày trước đó ông Trump bác thông tin từ truyền thông rằng chính quyền của ông đã thảo luận về khả năng giúp Iran tiếp cận 30 tỉ USD để xây dựng chương trình hạt nhân sản xuất năng lượng dân sự.
Ngày 27-6, ông Trump tuyên bố hủy bỏ kế hoạch nới lỏng trừng phạt đối với Iran, sẵn sàng cân nhắc việc ném bom Iran một lần nữa nếu nước này làm giàu uranium ở mức độ đáng lo ngại, theo hãng tin Reuters. Phần mình, ngày 30-6, Iran chỉ trích rằng chính phủ ông Trump liên tục thay đổi lập trường về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran và "trò chơi" này không nhằm mục đích giải quyết các vấn đề giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AFP
Các động thái này làm dấy lên lo ngại rằng tình hình sẽ diễn tiến khó lường, dù theo tờ Times of Israel, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết nước này đang nỗ lực để có được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran và một đảm bảo từ tất cả các bên sẽ không tái leo thang xung đột.
935 người thiệt mạng ở Iran và 28 người thiệt mạng ở Israel trong 12 ngày chiến sự giữa hai nước.
Theo Al Jazeera, Iran và phương Tây vẫn còn cơ hội ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân bùng nổ ở Trung Đông. Để làm được điều đó, các nước phải tăng cường ngoại giao.
Đạt được thỏa thuận là điều cần thiết, nhưng để đạt được điều đó, ngoại giao của Mỹ phải quay trở lại với chủ nghĩa hiện thực trong các cuộc đàm phán. Washington nên từ bỏ yêu cầu tối đa về "không làm giàu" uranium. Các chuyên gia kiểm soát từng vũ khí lưu ý rằng việc khăng khăng rằng Iran bắt buộc không có khả năng làm giàu là không cần thiết để không phổ biến vũ khí hạt nhân và cũng không thực tế. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã chứng minh rằng một chương trình làm giàu được giới hạn kết hợp với sự giám sát chặt chẽ có thể chặn hiệu quả con đường chế tạo bom của Iran.
Về phần mình, Tehran dù từ chối từ bỏ hoàn toàn quyền làm giàu uranium song đã ra tín hiệu sẵn sàng chuyển kho dự trữ uranium làm giàu cao và giới hạn mức độ làm giàu nếu được cung cấp một thỏa thuận công bằng.
Cuối cùng, ngoại giao và sự tham gia quốc tế bền vững vẫn là những công cụ hiệu quả nhất để quản lý rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân, chứ không phải là các hành động đơn phương rủi ro, theo Al Jazeera.
Iran có dễ rời Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân?
Iran ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1968, cam kết hợp pháp từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và đặt tất cả các vật liệu hạt nhân dưới sự bảo vệ của IAEA.
Vài ngày sau vụ đánh bom, quốc hội Iran đã bắt đầu soạn thảo luật để rút khỏi NPT. Nếu Iran thực hiện, việc rút lui có thể phá vỡ hiệp ước nền tảng về kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Trong nửa thế kỷ, NPT đã giới hạn bom hạt nhân ở một số ít quốc gia. Việc Iran rút lui vào lúc này sẽ đánh dấu sự vi phạm hiệp ước nghiêm trọng nhất kể từ khi Triều Tiên rời khỏi NPT vào năm 2003 và thử vũ khí hạt nhân 4 năm sau đó.
Không còn là thành viên NPT, Iran sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn hay kiểm tra nào nữa, khiến thế giới không biết gì về các hoạt động của nước này. Một chương trình hạt nhân không minh bạch của Iran có thể sẽ thúc đẩy các cường quốc khu vực khác làm như vậy, phá vỡ hàng thập niên cùng kiềm chế.
Tuy nhiên rời khỏi NPT không dễ dàng. Nước liên quan đòi hỏi phải thông báo trước ba tháng, có lý do chính đáng công khai, tiếp tục chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong quá khứ, chuyển giao hoặc bảo vệ liên tục tất cả công nghệ hạt nhân nhập khẩu. Đây là những bước mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể sử dụng để gây áp lực buộc bất kỳ bên nào muốn từ bỏ trở lại bàn đàm phán.
THIÊN ÂN
Nguồn PLO : https://plo.vn/chuong-trinh-hat-nhan-iran-co-dau-hieu-hoi-sinh-chuyen-gi-tiep-theo-post858169.html