Chương trình 'Mua trước, Trả sau': Cạm bẫy nợ nần tại Malaysia?

Chương trình 'Mua trước, Trả sau': Cạm bẫy nợ nần tại Malaysia?
20 giờ trướcBài gốc
Một góc Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhà nghiên cứu kinh tế độc lập của Malaysia, Shankaran Nambiar nhận định, phần lớn các chương trình "Mua trước, Trả sau" không được Kuala Lumpur quản lý chặt chẽ và có nguy cơ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính. Đây là những cân nhắc quan trọng đối với một nền kinh tế có mức nợ hộ gia đình lên đến 1.600 tỷ ringgit (378 tỷ USD) vào năm 2024, chiếm 84,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia.
Trong bài viết đăng tải trên trang mạng Diễn đàn Đông Á, tác giả cho rằng việc nới lỏng các hạn chế về tín dụng giúp thúc đẩy tiêu dùng như một phương tiện kích thích tổng cầu. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn sẽ xuất hiện khi nguồn cung tín dụng được mở rộng mà không kiểm soát. Với các nguồn tín dụng ngày càng tăng và các nền tảng tiêu dùng mới xuất hiện, tính khả dụng của các chương trình "Mua trước, Trả sau" tại Malaysia đã tăng lên. Nếu không được quản lý đúng cách, chúng có thể góp phần gây bất ổn tài chính.Thị trường "Mua trước, Trả sau" tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng trưởng nhanh chóng và được thúc đẩy bởi việc sử dụng ngày càng nhiều các nền tảng thương mại điện tử và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán linh hoạt. Tính đến cuối năm 2024, đã có hơn 5 triệu người dùng các dịch vụ tại Malaysia thông qua các phần mềm ứng dụng như Atome, PayLater của Grab và chương trình SPayLater của Shopee.
Các dịch vụ tiện lợi "Mua trước, Trả sau" đã được mở rộng sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và du lịch, trở nên linh hoạt, hấp dẫn hơn đối với những người Malaysia trẻ tuổi, bao gồm cả những người tìm kiếm các gói trả góp có lãi suất bằng 0.
Thị trường thanh toán mới, nhiều tiềm năng này được dự báo sẽ tăng trưởng 15,1% hàng năm, với giá trị thị trường ước tính khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Sự tăng trưởng được hỗ trợ bởi các sáng kiến như chương trình khách hàng thân thiết và tích hợp ví điện tử, giúp mở rộng nhóm khách hàng của các chương trình.
Trước những rủi ro tài chính có thể xảy ra, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã đưa ra các biện pháp quản lý nhằm tăng cường giám sát và thúc đẩy các hoạt động cho vay một cách có trách nhiệm. Tháng 12/2024, Ngân hàng Trung ương Malaysia công bố dự thảo đề xuất bãi bỏ các tính toán lãi suất cố định, bao gồm cả các tính toán được áp dụng cho các thỏa thuận "Mua trước, Trả sau". Đề xuất này cấm các sản phẩm tài chính cá nhân sử dụng phương pháp "Quy tắc 78" để tính lãi suất hoặc phí lợi nhuận cho các khoản vay lãi suất cố định.Cụ thể, quy tắc 78 cấu trúc các khoản vay theo cách mà lãi suất được tính trước để người vay trả một khoản lãi suất cao vào đầu thời hạn vay. Điều này ngăn cản việc trả nợ sớm, dẫn đến việc người vay phải trả chi phí lãi suất cao hơn và ràng buộc người vay vào thời hạn vay được chỉ định trước. Cấu trúc của các khoản vay cũng áp dụng hình phạt đối với những người vay không thể trả hết nợ trước khi hết thời hạn vay.Việc cấm sử dụng Quy tắc 78 là một sáng kiến chung với sự hỗ trợ của Lực lượng đặc nhiệm của Hội đồng giám sát tín dụng tiêu dùng và Bộ Nội thương và Chi phí sinh hoạt. Theo đó, yêu cầu sửa đổi Đạo luật mua trả góp năm 1967. Các thay đổi về quy tắc dự thảo cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đánh giá khả năng trả nợ của người vay thông qua các biện pháp như xem xét lịch sử trả nợ và đưa những người tiêu dùng “tuyên bố phá sản” vào danh sách đen. Hồ sơ rủi ro của người vay phải được xem xét cẩn thận để tránh vỡ nợ.Ngân hàng Trung ương Malaysia cũng đang xem xét giảm thời hạn tối đa cho các sản phẩm tài chính cá nhân từ 10 năm xuống còn 7 năm, điều này sẽ đưa Malaysia đến gần hơn với các thông lệ của các quốc gia phát triển như Australia và Singapore. Chính sách này nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động vay có trách nhiệm hơn và giảm nợ dài hạn ở Malaysia.Hàng loạt biện pháp của Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ đảm bảo rằng hoạt động tài chính cá nhân dễ chấp nhận, ít gánh nặng và công bằng hơn. Ngân hàng cũng sẽ đảm bảo rằng hoạt động thẩm định thực tế được thực hiện đầy đủ để những người có khả năng trả nợ không chắc chắn sẽ không được tiếp cận các chương trình thanh toán chậm. Việc giảm thời hạn vay có nghĩa là lãi suất phải trả hàng tháng sẽ cao hơn, song sẽ ngăn cản những người không có khả năng trả nợ vay thêm, bởi trên thực tế có xu hướng vay quá mức nếu các khoản vay được gia hạn trong thời gian dài. Do đó, các quy định mới sẽ hạn chế hành vi như vậy thông qua việc rút ngắn thời hạn bắt buộc.Dự luật tín dụng tiêu dùng năm 2025, được trình lên Quốc hội Malaysia vào tháng 3/2025, nhằm thành lập Ủy ban tín dụng tiêu dùng để quản lý các doanh nghiệp tín dụng, bao gồm cả các nhà cung cấp khoản vay. Theo đó, dự luật này sẽ đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn để quản lý nguồn cung tín dụng, yêu cầu các nhà cung cấp khoản vay phải có giấy phép và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng và cho vay công bằng, chặt chẽ hơn.Việc mở rộng các chương trình "Mua trước, Trả sau" đã giúp việc mua hàng hóa và dịch vụ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều ở Malaysia. Việc mua hàng trực tuyến theo hình thức này ngày càng phổ biến. Trong những trường hợp như vậy, Malaysia cần thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo đánh giá khả năng trả nợ của người tiêu dùng và ưu tiên người vay tiếp cận các cơ sở tín dụng công bằng.Tác giả kết luận: trong bối cảnh nợ hộ gia đình tăng cao, Kuala Lumpur phải chủ động điều chỉnh các chương trình "Mua trước, Trả sau" để bảo vệ người dân Malaysia khỏi tình trạng bất ổn tài chính và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các tiện ích ngắn hạn mang tính lợi dụng và nguy hiểm về mặt tài chính.
Hằng Linh/BNEWS/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/chuong-trinh-mua-truoc-tra-sau-cam-bay-no-nan-tai-malaysia/379644.html