Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
7 giờ trướcBài gốc
Tiết mục nghệ thuật tại chương trình
Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trần Lưu Quang, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; ông Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Về phía địa phương, có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVTND, các thương binh, bệnh binh, các Cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.
Sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử, tưởng nhớ công lao các thế hệ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần cách mạng trong thời kỳ hội nhập.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 30.4.1975, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh đã tự giải phóng quê hương, chặn đứng lực lượng chủ lực ngụy rút chạy về Sài Gòn, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng, suốt 50 năm qua, Tây Ninh không ngừng vươn lên, đoàn kết vượt khó, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, ngày càng khẳng định vị thế là địa phương năng động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Với những thành tích nổi bật, tỉnh Tây Ninh đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; đồng thời được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II – cột mốc quan trọng trên hành trình phát triển đô thị và hội nhập.
Dịp này, Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “50 năm Tây Ninh xây dựng và phát triển”. Chương trình do Sở VHTTDL Tây Ninh chịu trách nhiệm nội dung; Kịch bản và tổng đạo diễn: TS Trịnh Đăng Khoa.
Được đầu tư công phu, dàn dựng bài bản, chương trình là bức tranh sinh động tái hiện lịch sử đấu tranh, dựng xây và phát triển của quê hương Tây Ninh suốt nửa thế kỷ qua.
Chuông vàng vọng cổ Ngọc Diễm trong tiết mục “Bông huệ đỏ”
Ba chương chính của chương trình đã đưa người xem đi qua hành trình từ những năm tháng kháng chiến gian khổ, đến giai đoạn khôi phục, kiến thiết đất nước và vươn mình trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Chương I: “Tây Ninh – Vinh quang giải phóng”tái hiện sinh động hào khí cách mạng qua chuỗi tiết mục nghệ thuật đặc sắc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường của quê hương Tây Ninh.
Hoạt cảnh Hào khí Tây Ninh đưa khán giả trở lại thời kỳ lịch sử hào hùng, khi nơi đây là căn cứ Trung ương Cục miền Nam – “thủ đô kháng chiến” của cách mạng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh và thắp sáng niềm tin thống nhất đất nước.
Liên khúc Tây Ninh giải phóng vang lên hào hùng qua ba ca khúc: Tây Ninh rực lửa tiến công (Lê Chí Trung), Vàm Cỏ Đông (Hoàng Vũ – Trương Quang Lục) và Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), tái hiện tinh thần tiến công sôi sục của quân dân Tây Ninh trong mùa Xuân đại thắng 1975.
Tốp ca Hát mừng Tây Ninh chiến thắng (Trí Thanh) với sự tham gia của học sinh và thanh niên thể hiện khí thế bừng lên của thế hệ hôm nay, biết ơn và tự hào về những người đi trước.
Đặc biệt, tiết mục Bông Huệ đỏ (sáng tác: NNƯT Thanh Hiền) gây nhiều xúc động. Lấy cảm hứng từ hình tượng Tượng đài Bông Huệ Đỏ – biểu tượng tri ân các anh hùng liệt sĩ – bài ca vọng cổ như một lời tưởng nhớ thành kính tới bao thế hệ đã ngã xuống cho độc lập, tự do.
Chương II: “Tây Ninh – Hành trình tiếp bước” mang âm hưởng sâu lắng, tái hiện những ngày đầu sau giải phóng, khi nhân dân bắt tay khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn biên giới Tây Nam và bảo vệ thành quả cách mạng.
Những bài ca như Phù sa nồng nàn(Trần Quang Huy), Em ở nông trường em ra biên giới(Trịnh Công Sơn), Bài ca biên giới Tây Nam, hay tiết mục múa Vị ngọt quê hương (nhạc: Giang Trần) đã khéo léo khắc họa tinh thần lao động sáng tạo, lòng yêu nước thiết tha của người dân Tây Ninh trong giai đoạn khó khăn nhưng đầy khát vọng…
Chương III: “Tây Ninh – Khát vọng vươn mình” là phần trình diễn mang hơi thở hiện đại, phản ánh hình ảnh một Tây Ninh năng động, hội nhập, phát triển bền vững.
Các tiết mục Tây Ninh khúc hát tự hào (Lê Hồng Tăng), Tây Ninh rực rỡ sắc hương (Giang Trần) và liên khúc Tây Ninh theo Đảng đi lên – Thênh thang đường mới (Kiều Tấn Minh - Hồ Trọng Tấn) được dàn dựng hoành tráng, thể hiện khát vọng vươn lên của Tây Ninh trong vai trò ngày càng rõ nét tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bằng nghệ thuật sân khấu kết hợp âm nhạc, múa và hình ảnh biểu tượng, chương trình đã khắc họa một Tây Ninh anh dũng – nơi hun đúc tinh thần bất khuất của dân tộc, tiên phong trong kháng chiến và vẹn tròn trong khúc khải hoàn thống nhất non sông.
Bên cạnh tiết mục Bông Huệ Đỏ tôn vinh các anh hùng liệt sĩ qua hình tượng Tượng đài Bông Huệ Đỏ, chương trình còn trình diễn chùm ca khúc ca ngợi tinh thần kiên cường của TNXP trong công cuộc xây dựng quê hương (hình tượng Hồ Dầu Tiếng) và bảo vệ biên giới Tây Nam.
Chương trình khép lại với hình ảnh Tây Ninh mạnh mẽ, kiêu hãnh, bay lên cùng cả nước, thể hiện qua tạo hình nghệ thuật diễn viên vút bay cao trên mô hình biểu tượng của tỉnh Tây Ninh.
THÙY TRANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/chuong-trinh-nghe-thuat-ky-niem-50-nam-thong-nhat-non-song-130328.html